Trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) ghi nhận lợi nhuận hơn 260 tỷ đồng, hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm. Con số này tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức lãi kỷ lục của quý liền trước.
Cũng có lợi nhuận tăng bằng lần, quý I, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) lãi gấp đôi so với cùng kỳ 2021, đạt gần 690 tỷ đồng. Còn Công ty cổ phần Gemadept (GMD) ghi nhận lợi nhuận tăng khoảng 1,85 lần lên mức gần 320 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) có mức tăng lãi đột biến tới 12,5 lần, tuy nhiên con số tuyệt đối vẫn nhỏ so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, chỉ hơn 40 tỷ đồng...
Nhu cầu tăng cao và diễn biến thuận lợi của cước phí vận tải tiếp tục trở thành bệ đỡ cho lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành này.
Theo Vinaship, nhu cầu thị trường từ sau Tết nguyên đán đã tăng lên, chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic, đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc... trên toàn cầu) từ mức 1.400 tăng lên 2.700 điểm.
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong quý đầu năm ước đạt 179,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt một phần tư kế hoạch năm. Trong đó, hàng container tiếp tục có đà tăng 6%, đạt gần 6,3 triệu TEUs.
Ngoài ra, giá cước tăng cao cũng hợp sức tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải biển. Hải An cho biết trong quý I/2022, giá cước vận tải nội địa tăng và giá cho thuê tàu cũng tăng mạnh.
Giá cước đi các nước trong khu vực Đông Nam Á dao động từ 1.600-5.300 USD một container, tùy khoảng cách và hãng tàu. Giá cước đi Mỹ lên tới 12.000-22.000 USD một container, tùy bờ Đông hay bờ Tây...
Trong bối cảnh nhiều biến động địa chính trị và kinh tế thế giới, giá cước vận tải biển được dự báo tiếp tục neo cao. Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngành vận tải biển Việt Nam.
Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng trong giao thương, thương mại quốc tế. Vì thế, việc các hoạt động sản xuất bị hạn chế và công suất hoạt động hệ thống cảng nước này giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn hệ thống cảng và thời gian chờ cập bến kéo dài có thể dẫn tới việc gia tăng cước phí vận tải, từ đó tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
Căng thẳng tại Ukraine chưa dứt cũng là yếu tố có thể tác động tích cực đến lợi nhuận ngành này thời gian tới. Theo BSC, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn với nguồn cung hiện tại chiếm 10% nhu cầu toàn cầu. Việc gián đoạn xuất khẩu dầu từ nước này và hoạt động của các đường ống ở Bắc Âu sẽ làm thắt chặt, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá dầu đi lên. Các chủ tàu có khả năng chuyển chi phí sang khách hàng để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận hoạt động.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành vận tải biển từ đầu năm đến nay có diễn biến khá lạc quan. Trong giai đoạn căng thẳng địa chính trị vào đầu tháng 3, nhiều cổ phiếu vận tải biển "lội ngược dòng" ghi nhận mức tăng trần, nhất là các doanh nghiệp lớn.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, mã GMD đạt thị giá 55.000 đồng một đơn vị, tăng hơn 15% so với đầu năm. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhất nhì ngành, từ cuối tháng 4 đến nay, mã HAH gần như cũng tăng dựng đứng, chốt phiên 10/5 với 85.000 đồng một cổ phiếu, tăng đến hơn 77% so với hồi đầu năm...