Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các chính sách, giải pháp để TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển bền vững.
Cơ chế phải bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, TTCK có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế. Quy mô TTCK thời điểm hiện nay đạt 92,1% GDP, quy mô thị trường trái phiếu là 38,45% GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 14,1% GDP.
Sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán.
Để phát triển TTCK ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để quản lý, phát triển thị trường.
Một là, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường: Đối với thị trường cổ phiếu sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Trước mắt tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Đối với thị trường TPDN sẽ phát triển thị trường theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; kiến nghị Quốc hội rà soát tổng thể các quy định về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán.
Hai là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Đối với các tổ chức trung gian thị trường, tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.
Ba là, phát triển nhà đầu tư thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...
Đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tiếp tục mở rộng phạm vi và tần suất giám sát, thanh, kiểm tra; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK. Theo đó, trong giai đoạn tới, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chấn chỉnh bất cập, khuyến khích sự phát triển bền vững
Về ý kiến cho rằng, các biện pháp chấn chỉnh thị trường gần đây là cần thiết, nhưng phần nào khiến cho thị trường đang có dấu hiệu trầm lắng, hoặc thậm chí có tâm lý e ngại về phản ứng dây chuyền, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thời gian vừa qua, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Các biện pháp trên nhằm tăng cường kỷ luật trên TTCK, hướng đến phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.
Đại diện Bộ Tài chính tái khẳng định: Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Còn đối với các nhà đầu tư, cần phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia TTCK; đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến chứng khoán dự kiến đầu tư, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức, cá nhân môi giới mà không kiểm chứng thông tin.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN của cơ quan quản lý.
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
"Bộ Tài chính tin tưởng, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phát triển kinh tế, TTCK sẽ tiếp tục phát triển ổn định là kênh đầu tư an toàn hiệu quả cho mọi nhà đầu tư chân chính trên thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ.
Kết thúc phiên giao dịch 10/5, VN-Index tăng 23,94 điểm (1,89%) lên 1.293,56 điểm. HNX-Index tăng 6,63 điểm (2,05%) lên 330,02 điểm, UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (2,65%) lên 99,06 điểm.
Các chuyên gia nhận định, sau giai đoạn thăng trầm của thị trường, đến hiện tại thanh khoản đã đi xuống.
Có thể nói đây chính là giai đoạn thanh lọc nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ngắn hạn. Các chuyên gia cũng đánh giá cao quá trình thanh lọc thị trường của cơ quan quản lý trong giai đoạn vừa qua, giúp ngày càng minh bạch hơn để tiếp cận với việc nâng hạng từ đó thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư sẽ không kỳ vọng vào việc mua cổ phiếu là tăng giá nhanh, mạnh như giai đoạn trước, thay vào đó, cần lựa chọn kỹ những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, đầu tư dài hạn.