Người dân vẫn phải “lót tay” khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Có địa phương 90% người dân phải “lót tay” khi làm sổ đỏ
Ngày 10/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021. Một trong những chỉ số của PAPI được phản ánh nhiều nhất qua các năm chưa được cải thiện là: Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Năm 2021, có tới 30 tỉnh, thành phố sụt giảm về điểm ở các chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Theo báo cáo, tỷ lệ tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ có 5-30% người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 ở địa phương. Dù là người trực tiếp sinh sống, sản xuất tại địa phương nhưng chỉ có 23-67% người dân được biết nơi cung cấp thông tin bảng giá đất năm 2021 của chính quyền cấp tỉnh ban hành hằng năm.
Theo báo cáo của PAPI 2021, tại hơn 40 tỉnh, thành phố, tỷ lệ người dân làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay” rất cao. Đáng chú ý là hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.
Một trong những thủ tục hành chính công đã phản ánh trong những năm trước đây, đến nay vẫn chưa được cải thiện là cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất. Thủ tục này vẫn còn nhiêu khê. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, người làm thủ tục xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường phải đi qua nhiều “cửa”, gặp nhiều người để giải quyết thủ tục. Theo ông Đặng Hoàng Giang, chuyên gia PAPI, đây là điều đáng tiếc. Ông Giang đề xuất, Luật Đất đai 2014 sửa đổi trong thời gian tới cần củng cố yêu cầu bắt buộc chính quyền các cấp công khai thông tin đất đai để dân biết.
Vẫn phải “bôi trơn” khi khám chữa bệnh
Trao đổi với phóng viên, bà Caitlin Wiesen đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, một trong những điểm đặc biệt của báo cáo PAPI 2021 so với các năm trước, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, người dân đã chuyển trọng tâm sang vấn đề chăm sóc sức khỏe nhiều hơn so với các vấn đề về việc làm, nghèo đói như những năm trước đây. Nhiều người dân tỏ ra lo ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% (năm 2020) lên 23% (năm 2021).
Dịch bệnh phức tạp, quá tải ca bệnh COVID-19 khiến tỷ lệ người dân hài lòng với chính quyền địa phương giảm xuống. Là đơn vị sát sườn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện (quận), thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút.
“Nhiều người dân cho biết bản thân hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu”, bà Caitlin Wiesen cho biết.
Bà Đỗ Thanh Huyền, thành viên thực hiện báo cáo PAPI 2022 cho biết, sau 13 năm thực hiện báo cáo PAPI, hầu hết địa phương trên cả nước đã có thảo luận về những “vết” bị nêu trong báo cáo những năm trước. Chỉ số PAPI 2022 giúp các cấp chính quyền địa phương hành động vì lợi ích người dân nhiều hơn.
“Chúng tôi lấy dữ liệu của nhiều năm để cho thấy sự thay đổi của chính quyền địa phương. Một trong những điểm nổi bật là tư duy nhiệm kỳ đã thay đổi, vì mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người dân”, bà Huyền cho biết.
Năm 2021, có gần 16.000 người dân tham gia khảo sát PAPI với hệ số đo lường gồm 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.