Theo báo cáo PAPI 2021 được công bố mới đây, để nắm được các vấn đề đáng quan ngại nhất trong một năm, từ năm 2015 đến nay, khảo sát PAPI đã hỏi người dân về ba vấn đề họ cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm tiếp theo. Kết quả cho thấy sự chuyển dịch về mối quan ngại của người dân năm 2021 so với các năm trước đây.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, y tế và bảo hiểm y tế đã trở thành mối quan ngại lớn nhất năm. Đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại song lùi về vị trí thứ hai, tăng trưởng kinh tế ở vị trí thứ ba và việc làm sát nút ở vị trí thứ tư. Báo cáo cũng cho thấy mối quan ngại về tiếp cận y tế, bảo hiểm y tế và việc làm tăng đột biến trong khi mối quan ngại về ô nhiễm môi trường suy giảm đáng kể trong năm 2021.
Xét theo yếu tố giới tính, báo cáo cho biết phụ nữ và nam giới có cùng quan điểm về hai mối quan ngại hàng đầu là y tế/bảo hiểm y tế và đói nghèo. Trong đó, năm 2021, tỷ lệ phụ nữ quan ngại về vấn đề việc làm cao hơn so với nam giới trong khi nam giới quan ngại nhiều hơn về tình hình kinh tế của đất nước.
Xét theo yếu tố nhóm dân tộc, có sự khác biệt giữa người Kinh và người đồng bào dân tộc trong vấn đề đáng quan ngại nhất. Cụ thể, người Kinh quan tâm nhiều nhất về vấn đề y tế/bảo hiểm y tế trong khi người dân tộc khác quan tâm nhiều nhất đến vấn đề đói nghèo. Theo báo cáo, khoảng 23% người dân tộc thiểu số quan tâm đến vấn đề đói nghèo, cao hơn 4% so với tỷ lệ người Kinh có cùng quan điểm.
Cùng với đó, người tham gia khảo sát cũng trở nên ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 so với những năm trước. Có 20% số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế của Việt Nam là “kém” trong khi những người cho rằng tình hình nói chung là “tốt” lại giảm xuống dưới 50%.
Tương tự, tỷ lệ người cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình năm 2021 kém hơn trước tăng lên: 29% người được hỏi cho rằng kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn trước, tăng 11% so với kết quả khảo sát năm 2020. Khi được hỏi về triển vọng tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người trả lời cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình sẽ xấu đi hoặc không thể đoán trước cũng cao hơn những năm trước.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác thực hiện đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Báo cáo PAPI 2021 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 15.833 người dân được chọn ngẫu nhiên từ nhóm dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.791 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư ròng dương trên toàn quốc.