Cho ý kiến tại , Đại biểu Tạ Minh Tâm nêu rõ gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân, do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả.
Theo ông Tạ Minh Tâm, việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Tại Kỳ họp bất thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, sau đó 19 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể.
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ví như cú hích hay là phao cứu sinh phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung còn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách.
Cùng với đó, đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể.
Đại biểu cho biết trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…
Vấn đề mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay, đồng thời các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nêu rõ dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu theo đúng mục tiêu đề ra, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, cần điều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, có tác động lan tỏa; củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp.
Đồng thời, rà soát lại các dự án trong danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm đưa vào danh mục các dự án đáp ứng các nguyên tắc tiêu chí theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 đề ra, có điều chỉnh, thay thế bổ sung vào danh mục các dự án có đủ điều kiện có khả năng giải ngân nhanh và hấp thu ngay vào nền kinh tế.
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất
Cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng.
Theo đó, trước kỳ họp Quốc hội ba ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.
Nghị định đã thực hiện hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại diện COVID-19.
Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm. Vì vậy, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành linh hoạt, quyết liệt. Đồng thời kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạng mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay.