Theo hãng tin Bloomberg, cô Zheng Jin là nhân viên của một tập đoàn bất động sản lớn ở Trung Quốc và đã nghỉ việc vào tháng 2/2022. Nguyên nhân là cô Zheng không thể tiếp tục trong một ngành đã bắt đầu thoái trào khi chính quyền Bắc Kinh siết tín dụng cũng như chống bong bóng đầu cơ bất động sản.
Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau, cô Zheng đã phải nộp hơn 400 vị trí tuyển dụng khác nhau mà chẳng ai nhận, và cô đang vô cùng lo lắng.
"Tôi chẳng thấy được ánh sáng nào cuối đường hầm cả. Có cảm giác như tôi chẳng có hy vọng nào. Tôi không biết mình sẽ kiên trì được bao lâu nữa", cô Zheng chán nản.
Ở tuổi 26, cô Zheng vốn là một nhân viên nghiên cứu thị trường bất động sản Nam Kinh và đã phải nghỉ việc khi công ty sa thải 30% lao động. Việc Trung Quốc siết tín dụng và thắt chặt quản lý tài chính đã đẩy nhiều công ty nhà đất vào cảnh khủng hoảng, dẫn đến cắt giảm nhân sự.
Hiện nay, cô Zheng phải cạnh tranh với hàng chục triệu lao động trẻ thất nghiệp trong khi nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh ở những ngành nổi tiếng như công nghệ, xe điện, bất động sản. Nhiều tỷ phú công nghệ bị điều tra, ngành bất động sản bị siết tín dụng là nguyên nhân chính cho điều này.
Tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc đã lên đến 18,2%, cao hơn rất nhiều so với mức 7,9% của Anh.
Hãng tin Bloomberg nhận định nỗi lo sợ đang lan rộng ở Trung Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp có thể khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tồi tệ hơn cả so với mức đỉnh dịch năm 2020. Đại dịch hiện đang khiến nhiều công ty giảm lương, sa thải nhân viên để trụ lại trong ngành, hậu quả là hàng triệu lao động như cô Zheng phải nghỉ việc.
Nếu tính cả 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2022 sắp tới đây, mức kỷ lục về lượng tốt nghiệp từ trước đến nay, thì thị trường lao động Trung Quốc đang gặp áp lực cực kỳ lớn.
Khủng hoảng
Cô Xie Huiyu, sinh viên 25 tuổi tốt nghiệp thạc sỹ tại Anh chuyên ngành toán đã về Thượng Hải thực tập với lời cam kết ký hợp đồng toàn thời gian khi cô nhận được bằng. Thế nhưng vào tháng 3/2022, công ty này bất ngờ chấm dứt kỳ thực tập của Xie cũng như 40 thực tập sinh khác với lý do gặp khó khăn, đồng thời hủy luôn cam kết ký hợp đồng.
Hiện cô Xie đang phải nợ tiền thuê nhà, sống dựa vào tiền gửi của bố mẹ cũng như đồ ăn của chủ nhà trong tình cảnh toàn Thượng Hải cách ly chống dịch.
"Đôi khi tôi tự hỏi học hành nhiều để làm gì không biết", cô Xie ngán ngẩm.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Jacqueline Rong của BNP Paribas chi nhánh Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại đây có thể chưa đạt đỉnh và sẽ đạt đến 6,5% trong những tháng tới, mức cao kỷ lục kể từ khi chính phủ thu thập số liệu này vào năm 2016. Với giới trẻ, bà Rong dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên đến 20%.
Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc trong tháng 4/2022 đạt 6,1%.
Hãng tin Bloomberg cho biết khác với năm 2020, thị trường lao động Trung Quốc năm nay chịu ảnh hưởng rất lớn do đã có hàng triệu người thất nghiệp từ các ngành bất động sản, công nghệ, giáo dục do những động thái siết chặt kiểm soát của chính phủ.
Một số tập đoàn nổi tiếng như New Oriental Education&Technology Group (NOET) đã phải chấm dứt toàn bộ lớp dạy thêm dạng K9 và sa thải 60.000 giáo viên khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý thị trường dạy thêm trị giá 100 tỷ USD.
"Mặc dù đã cố trấn an bản thân nhiều lần rằng khó khăn sẽ qua, nhưng nỗi lo lắng trong tôi cứ lớn dần mỗi khi nghĩ về những điều cụ thể mình sẽ làm. Tôi đã phải dùng thuốc ngủ để có thể an giấc hàng đêm", nhà sáng lập Yu Minghong của NOET trần tình.
Không riêng gì NOET, hàng loạt thương hiệu lớn cũng lâm vào cảnh tương tự. Tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc là JD đã phải tuyên bố cắt giảm 15% lao động của công ty con Jingxi trong năm 2022. Hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Didi Global cũng đã lên kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự.
Tập đoàn công nghệ Tencent trong tháng 5/2022 thì cho biết do doanh thu suy giảm mạnh nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2004 nên hãng sẽ đóng nhiều mảng kinh doanh và sa thải bớt nhân viên.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tại Trung Quốc, Mỹ và Anh
Ngày càng nhiều 'nằm thẳng'
Cô Li Wen, 21 tuổi học chuyên ngành tiếng Anh đang có ý định chuyển sang học ngành báo chí sau khi mảng giáo dục và công nghệ thoái trào trước những động thái siết chặt của chính phủ. Thế nhưng quyết định này cũng chết non sau khi trường đại học mà cô đăng ký bất ngờ nâng điểm do có quá nhiều người nộp đơn xin thi vào.
"Tôi phân vân không biết có nên tiếp tục không vì chẳng biết thị trường lao động sẽ như thế nào sau 3 năm nữa", cô Li lo lắng khi cho biết mình sẽ phải nhận công việc lương thấp khoảng 3.500 Nhân dân tệ (526 USD)/tháng, ít hơn cả mức chuẩn 5.000 Nhân dân tệ để thu thuế thu nhập cá nhân.
Quyết định của cô Li không hề cá biệt khi hàng triệu lao động trẻ tại Trung Quốc quyết định "nằm thẳng" (Lying Flat), từ bỏ ước mơ để chấp nhận những công việc lương thấp, từ bỏ ý chí xây dựng sự nghiệp và sống vất vưởng qua ngày.
"Tôi đang vô cùng căng thẳng, kiểu như bạn đang có tương lai sáng sủa để rồi bất ngờ mọi cơ hội việc làm đều biến mất. Sau khi nộp vô số hồ sơ xin việc, tôi cảm thấy chán nản và chỉ muốn sống cuộc đời ‘nằm thẳng’", anh David Yang, một sinh viên 23 tuổi tại Thượng Hải tốt nghiệp chuyên ngành tài chính than thở.
*Nguồn: Bloomberg