Ngày 7/7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Kiên Giang khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Trần Thiện Mỹ đặt vấn đề, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đạt kết quả khá tốt, đạt 59,7% so với kế hoạch, tổng doanh thu đạt 78,3%. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch Phú Quốc trở thành đề tài nóng cho các trang báo mạng, nền tảng mạng xã hội… đánh giá, bình luận.
Theo ông Mỹ, các ý kiến đánh giá, bình luận tiêu cực làm cho hình ảnh du lịch của Phú Quốc bị xấu đi trong mắt du khách trong nước, quốc tế. Trong đó có nhiều thông tin tiêu cực về du lịch Phú Quốc về giá cả, dịch vụ. Với trách nhiệm người đứng đầu về ngành du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết việc bàn tán trên một số trang mạng, cộng động mạng, trên một số báo và của vài cá nhân ở thời điểm trước, trong và sau dịp lễ 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 về tình trạng chặt chém, giá cả trên trời… là thông tin một chiều, chưa có sự kiểm chứng, không có địa chỉ cụ thể, chỉ là số ít nên không thể đại diện cho mặt bằng giá cả ăn uống chung tại thành phố Phú Quốc.
Thời điểm đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương cũng chưa nhận được thông tin du khách phản ánh việc có cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP. Phú Quốc bán giá cao, chặt chém khách du lịch.
“Về giá cả hàng hóa, hải sản ở Phú Quốc có cao hơn so đất liền, việc này là do nguồn hải sản, hàng hóa, nguyên vật liệu ở Phú Quốc có phần hạn chế phải nhập từ đất liền về để đáp ứng nhu cầu dịp lễ, mùa cao điểm du lịch làm phát sinh chi phí. Đặc biệt là các chi phí thuê mặt bằng cao, tiền công trả cho người lao động trong dịp lễ gấp 2-3 lần so với ngày thường, chi phí quảng bá, hoa hồng cho đối tác gửi khách… từ đó dẫn đến giá dịch vụ có cao hơn nơi khác, nhưng không có chuyện chặt chém vì giá cả đã có niêm yết, du khách có thể lựa chọn tùy theo khả năng tài chính của mình”, ông Thái thông tin.
Theo ông Thái, trước những thông tin đó, Sở đã thành lập đoàn liên ngành để cùng với TP. Phú Quốc tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là việc đăng ký giá, niêm yết giá, đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ… trên toàn địa bàn thành phố.
Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, niêm yết các số điện thoại đường dây nóng của ngành du lịch, của UBND thành phố Phú Quốc và tiếp tục lập đường dây nóng du lịch ở các địa phương, vùng du lịch trọng điểm toàn tỉnh.
Khi có thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động du lịch, ngành du lịch đã chủ động phối hợp với địa phương, các ngành có liên quan, xác minh thông tin phản ánh, đối chiếu với thực tế của ngành xem thông tin đó có đúng không để tìm giải pháp xử lý cho phù hợp tránh làm phức tạp thêm tình hình.
Về giải pháp đối với việc xử lý các thông tin tiêu cực vừa qua tại Phú Quốc , ông Thái cho biết ngành du lịch đã phối hợp với UBND TP. Phú Quốc, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan xác minh tính xác thực của thông tin phản ánh, thời gian, địa điểm, đối tượng… cụ thể. Sau đó, tiến hành rà soát, đánh giá lại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Qua đó, thống kê lại tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch từ lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận tải hành khách, các cơ sở bán hàng lưu niệm, đặc sản, vui chơi giải trí… Từ đó tổ chức kiểm tra, thanh tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký giá, niêm yết giá dịch vụ rõ ràng, kiểm tra việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá (thông qua hình thức chi hoa hồng cho các đối tác hướng dẫn viên, xe taxi, xe điện, xe ôm, xe, tàu, cano vận chuyển khách tham quan) theo quy định.