Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với 45.117 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 6.035 tỷ đồng giảm lần lượt 17%, 30% so với cùng kỳ.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 76.441 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6.539 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, PV GAS đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu, 92% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nếu tính riêng quý II, doanh thu PV GAS ước đạt 23.903 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 2.618 tỷ đồng; giảm lần lượt 14% và 49% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất trong vòng 6 quý của công ty.
Về sản lượng nửa đầu năm, PV GAS đã nhận trên 4,1 tỷ m3 khí ẩm, sản xuất và cung cấp trên 3,9 tỷ m3 khí khô; sản xuất 46,4 nghìn tấn condensate; sản xuất và kinh doanh gần 1,1 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế gần 0,3 triệu tấn).
Trong nửa cuối năm, PV GAS cho biết sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính liên quan đến công tác vận hành, an toàn; phát triển thị trường, gia tăng tiêu thụ khí, LNG; xây dựng cơ chế chính sách, cước phí, hợp đồng mua bán khí; triển khai các dự án trọng điểm, chế biến sâu, liên kết chuỗi giá trị; thực hiện tái cấu trúc, tăng cường phân tích dự báo, nâng cao công tác quản trị/điều hành; chuyển đổi số và xây dựng hệ thống ERP; thực hiện truyền thông quảng bá thương hiệu...
Theo kế hoạch, ngày 10/7 tới đây, PV GAS sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam.
Kho cảng LNG Thị Vải hiện là tổ hợp LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất nhất Việt Nam với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1 và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.
Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn với bồn chứa LNG 180.000 m3.
Trong báo cáo phân tích về PV GAS hồi tháng 6, BSC Research dự báo nhu cầu tiêu thụ khí phục hồi do chu kỳ El Nino quay trở lại cùng tình trạng thiếu điện gia tăng.
Theo BSC Research, chu kỳ El Nino quay trở lại giai đoạn 2023 – 2025 sẽ khiến lượng nước về các hồ thủy điện suy giảm, ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra của các nhà máy thủy điện.
Ngoài ra, cơ chế giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chưa thực sự rõ ràng cũng khiến nguồn phát điện này khó có thể gây áp lực cạnh tranh lên các nhà máy điện khí.
Mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện trong những tháng cao điểm. Do đó, BSC Research cho rằng các nhà máy điện khí sẽ được huy động ở mức tối đa, từ đó cải thiện sản lượng khí đầu ra cho GAS.
Về trung hạn, đơn vị phân tích đánh giá tiềm năng của LNG là rất lớn do nhu cầu từ sản xuất điện công nghiệp sử dụng LNG sẽ có xu hướng tăng, theo Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, giá LNG sau giai đoạn tăng nóng đã quay trở về mặt bằng trước đây và tiệm cận với nguồn khí trong nước, từ đó giúp việc nhập khẩu nguồn khí này trở nên thuận lợi hơn.
Với sức chứa 1 triệu tấn LNG hiện tại, BSC Research dự báo trong giai đoạn ổn định, mỗi năm kho cảng LNG Thị Vải có thể đóng góp khoảng 1.500 tỷ đồng vào lợi nhuận của GAS (tương đương khoảng 10% lợi nhuận trước thuế).
Về dài hạn, theo đơn vị phân tích, dự án Lô B – Ô Môn sẽ bổ sung thêm nguồn khí cho PV GAS kể từ 2027 trở đi. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ban lãnh đạo PV GAS cho biết đã đóng thầu EPC, dự kiến từ 60 – 65 ngày sẽ có kết quả đấu thầu và kỳ vọng sẽ sớm có quyết định cuối cùng (FID). Dự kiến nếu được chấp thuận đầu tư, dự án sẽ đi vào hoạt động và đón dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
Với vai trò là nhà đầu tư chính với 51% tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án đường ống Lô B, BSC Research kỳ vọng PV GAS sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B, với sản lượng lên tới 5 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, thay thế cho một số mỏ khí đang suy giảm sản lượng mà hiện đang khai thác.