Sáng 7/7, hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao đã tới Việt Nam để tham dự Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 (SRBF).
Ông Lim Ming Yan, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho biết, đây là lần đầu tiên Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore tổ chức ngoài lãnh thổ nước này và điểm đến là Việt Nam.
Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore là cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Việt Nam và Singapore đã có những hợp tác về năng lượng sạch, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, tại diễn đàn 12 Biên bản ghi nhớ (MOUs) đã được ký kết giữa các tổ chức công và tư từ Singapore và Việt Nam, bao gồm các hiệp hội thương mại và phòng thương mại, các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở tài chính.
Các Biên bản ghi nhớ này bao gồm các lĩnh vực về bền vững, số hóa, dịch vụ tài chính và phát triển nhân sự nhằm đẩy mạnh cơ hội hợp tác giữa Singapore và Việt Nam cũng như trong khu vực.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến với những thay đổi nhanh chóng, hết sức phức tạp, vượt ra khỏi các dự báo thông thường.
"Trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới hiện nay, những xu thế tích cực vẫn được duy trì với nhu cầu hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển vẫn là dòng chảy chính",Phó Thủ tướng nói.
Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp khoảng 39% GDP, 36% xuất khẩu toàn cầu. ASEAN vẫn là điểm sáng tăng trưởng của khu vực, dự báo năm 2023 tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 4,8%, gấp 7 lần tốc độ tăng trưởng của nhóm nước phát triển. Trong đó, Singapore tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Mong muốn Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
Việt Nam mong muốn Singapore, với vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò và hiệu quả của Khuôn khổ hợp tác kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore.
Với chủ trương hợp tác, thu hút FDI có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc các ngành, lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển; Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; là những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore có thế mạnh.
Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tiếp tục thu hút FDI, nguồn vốn hỗ trợ phát triển, nguồn vốn tài chính xanh vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, giúp Việt Nam thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.
Singapore là đối tác quan trọng của Việt Nam
Thông tin thêm tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết, về đầu tư, với hơn 3.200 dự án và 73,4 tỉ USD vốn đăng ký, Singapore đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học và công nghệ.
Về thương mại, Singapore cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng cân bằng, tăng 11,6% so với năm 2021