Nhưng thực tế đã chứng minh, sau khi “ôm” được đất “vàng”, 10 - 20 năm sau, nhiều chủ đầu tư vẫn không triển khai. Cũng dễ hiểu vì sao liên tục nhiều năm qua, kỳ họp HĐND TP nào của Hà Nội cũng đều “nóng” vấn đề quy hoạch treo. Và người dân, cũng không biết làm gì ngoài việc gửi đơn, kiến nghị và mòn mỏi chờ đợi.
Nhan nhản các quy hoạch treo hơn 1 thập kỷ
Không chỉ trong nội đô, ở các huyện ngoại thành, tình trạng quy hoạch treo hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng khiến sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND TP khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra từ ngày 3- 6/7), cử tri huyện Mê Linh kiến nghị TP chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị tại thị trấn Chi Đông. Với quy mô trên 70ha nhưng hiện dự án mới giải phóng mặt bằng khoảng 25ha sau gần 20 năm, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Dự án khu đô thị này do liên doanh CEO và Công ty cổ phần Xây dựng số 9 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư từ giữa năm 2004. Đến tháng 8/2005, chủ đầu tư nhận quyết định được tạm giao đất để giải phóng mặt bằng. Diện tích đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (theo chính sách của UBND tỉnh Vĩnh Phúc) là 70,02ha. Trong đó, diện tích đã chi trả tiền bồi thường khoảng 52,6ha, chưa chi trả khoảng 17,35ha. Tại thời điểm thu hồi đất thực hiện dự án (năm 2004), chế độ chính sách về bồi thường thực hiện theo chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Sở hữu hơn trăm mét đất nội thành nhưng nhiều hộ gia đình vẫn phải đi ở thuê, con cái không dám kết hôn vì không có chỗ ở.
Giai đoạn 2004 - 2009, chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo phương án đã được tỉnh này phê duyệt. Tuy nhiên, khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (2008), các hộ dân, cá nhân đề nghị được áp dụng đơn giá hỗ trợ theo chính sách của Hà Nội, không chấp nhận theo đơn giá cũ của Vĩnh Phúc.
Mặt khác, theo chủ trương của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, dự án phải tạm dừng để chờ khớp nối với quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu. Cũng liên quan đến các dự án tại Mê Linh, gần đây Hà Nội đã thu hồi 3 dự án chậm triển khai. Trong đó, 2 dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư quy mô hơn 200ha. Cả 2 dự án đều được lập vào thời điểm trước khi Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội.
Đáng chú ý, giai đoạn trước khi huyện Mê Linh được sáp nhập từ Vĩnh Phúc về Hà Nội năm 2008, hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị tại đây đã được phê duyệt. Chỉ trong vòng 1 tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực, 18 dự án bất động sản tại huyện này đã được duyệt. Theo UBND TP Hà Nội, tháng 10/2021, TP đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành; Sở Tài nguyên và Môi trường có Kết luận thanh tra số 1782 ngày 24/6/2019, Kết luận kiểm tra số 6039 ngày 4/8/2021 báo cáo UBND TP chỉ đạo liên doanh CEO và Công ty cổ phần Xây dựng số 9 làm chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu đô thị Chi Đông. Đồng thời, liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mê Linh hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, GPMB; giao đất, cho thuê đất, xác định nghĩa vụ tài chính của dự án theo quy định.
Chỉ một huyện như Mê Linh đã có 60 dự án “rùa”, và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong tháng 3 vừa qua đã ra tối hậu thư chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan và huyện Mê Linh tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý 64 dự án “treo” trên địa bàn huyện Mê Linh. UBND TP đã họp và quyết định thu hồi hơn 1.000ha của 15/60 dự án chậm triển khai của huyện Mê Linh.
Bài toán nhức nhối
Ngoài Mê Linh, cử tri huyện Đông Anh, Đan Phượng cũng gửi đến HĐND TP Hà Nội kiến nghị về những dự án khu đô thị trên địa bàn đã có quy hoạch, thu hồi đất từ nhiều năm nay nhưng đến nay chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân. Với các dự án khu đô thị: Vinalines và khu đô thị Hồng Thái, đã có quy hoạch 14 năm song đến nay chưa triển khai.
UBND TP Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị Hồng Thái gồm 3 khu đều đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư. Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư. Nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng...) theo quy định. Tương tự, cử tri huyện Đông Anh cũng kiến nghị về dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2010 nhưng đến nay không triển khai, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, dự án đến nay chậm gần 6 năm theo tiến độ được duyệt, nhà đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Có thể thấy rằng, tình trạng dự án treo những năm qua vẫn là bài toán nhức nhối trên địa bàn TP Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, hiện trên toàn TP có hơn 400 dự án chậm tiến độ, trong đó những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án). Trong tổng số hơn 400 dự án treo trong diện thanh kiểm tra hơn 1 năm qua, có 96 dự án đã khắc phục đưa đất vào sử dụng; 60 dự án chậm tiến độ mới được gia hạn thêm 24 tháng; 220 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị các biện pháp xử lý cụ thể. Và có 29 dự án bị kiến nghị thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm dự án treo tới 1-2 thập kỷ nhưng giờ mới chỉ nằm trên danh sách kiến nghị bị thu hồi. Danh sách kiến nghị bị thu hồi này có thể cũng bị "treo" và treo đến bao giờ cũng chưa biết. Điều này thể hiện sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các sở, ngành và địa phương.
Dự án treo nhiều, đồng nghĩa với cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, từ kinh tế, đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, Nhà nước cũng bị thất thu vì không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này. Nguyên nhân dẫn đến việc dự án “treo” có rất nhiều, từ những quy định chồng chéo của các văn bản luật, văn bản dưới luật quy định gây vướng mắc cho chủ đầu tư. Tiếp đó là việc điều chỉnh quy hoạch qua các thời kỳ cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án. Và đáng nói nhất là năng lực của chủ đầu tư không đủ để thực hiện dự án..
Quay trở lại câu chuyện của gần 1.000 hộ dân tổ dân phố 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, ngày 30/6, khi chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân Thủy, Tổ trưởng Tổ dân phố 15 Tân Mỹ, ông đang dự buổi tiếp xúc cử tri giữa Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội, Đơn vị bầu cử số 3 và cử tri các quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc này, ông Thuỷ đã một lần nữa thay mặt các hộ dân nằm trong khu quy hoạch treo của dự án Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình tiếp tục kiến nghị dỡ bỏ quy hoạch treo để ổn định đời sống. Ông Thuỷ đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội có ý kiến với UBND TP Hà Nội có cơ chế hợp lý dỡ bỏ Quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất ở của Tổ dân phố 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1.
“Nhân dân Tân Mỹ rất mong mỏi được ở lại trên mảnh đất đã gắn bó gần 40 năm, song nếu vì lợi ích quốc gia phải di dời đi nơi khác, thì đề nghị TP Hà Nội có chủ trương sớm không để nhân dân Tân Mỹ mãi sống trong vùng quy hoạch”, ông Thuỷ kiến nghị.