Hoàng Anh Tuấn, kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, quyết định "đào coin" trên một số trang web từ tháng 4. "Thị trường Bitcoin quá nhiều biến động và quá khó để kiếm lời bằng việc mua đi bán lại. Qua một người bạn, tôi bắt đầu khai thác tiền số trực tuyến trên máy tính", anh nói.
Những ngày đầu diễn ra khá thuận lợi. Chỉ cần vào web bằng trình duyệt riêng do nền tảng đào tiền số cung cấp, máy tính của Tuấn sẽ tự động kết nối hệ thống máy đào. Nếu online 12 tiếng mỗi ngày, Tuấn đạt định mức tối thiểu do nền tảng đề ra và thu về số Bitcoin tương đương 30-40 USD vào cuối tháng. Số tiền cộng dồn sẽ được thanh toán khi tham gia đủ 6 tháng.
Tuấn cho biết anh phải bật trình duyệt đào cả khi làm việc, chơi game, trong lúc ngủ để có thể hoàn thành định mức. Tuy nhiên, sau một thời gian, máy tính trở nên chậm chạp, các tác vụ phản hồi có độ trễ cao. Hệ thống quá tải khiến quạt tản nhiệt liên tục kêu to, nhiều ứng dụng bị đăng xuất đột ngột. Kế hoạch dùng máy tính vừa làm việc vừa đào Bitcoin không thể tiếp tục.
"Thợ sửa máy nói hệ thống tản nhiệt gặp trục trặc và phải thay mới chỉ là những hệ quả đầu tiên. Duy trì cường độ như hiện tại sẽ còn ảnh hưởng tới các bộ phận phần cứng khác", Tuấn nói. Anh đã dừng "đào coin" và chấp nhận mất ba tháng làm không công cho nền tảng.
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "đào coin online" hoặc "đào Bitcoin trực tuyến", người dùng sẽ nhận về hơn một triệu kết quả trong 0,31 giây. Trong đó có nhiều đường dẫn tới website tương tự dịch vụ Anh Tuấn từng tham gia. Trên các nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tiền số cũng có hàng loạt chủ đề kêu gọi lập hội đào tiền số chung, hứa hẹn thu về lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì máy tính hoạt động quá tải, hỏng hóc, không thể duy trì thời gian dài.
Theo ông Lê Trung Hiếu, kỹ sư TikTok kiêm nhà đồng sáng lập một công ty về blockchain, việc đào tiền số trực tuyến có nhiều điểm bất thường. "Về lý thuyết có thể dùng sức mạnh phần cứng của máy tính để đào Bitcoin, tuy nhiên rất khó phát sinh lợi nhuận", ông Hiếu nói.
Người khai thác Bitcoin cần tính đến độ bão hòa thị trường, sự thiếu tối ưu khi đào riêng lẻ, chi phí điện năng, khấu hao máy móc... "Khi tính đủ những yếu tố này, đào tiền số bằng máy tính cá nhân cầm chắc thua lỗ", ông Hiếu cho hay.
Ông nhận định hình thức đào tiền số online có thể chỉ là bình phong để các nền tảng lợi dụng sức mạnh máy tính của người dùng. Sau đó, họ dùng máy tính này vào những lĩnh vực sinh lời khác, ví dụ nuôi đội quân bot ảo. "Đội quân bot ảo là máy tính được điều hướng để tự động hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Tiền lời từ việc nuôi bot được trích ra trả cho người tham gia, khiến họ tưởng đang có thu nhập từ đào tiền số trực tuyến", ông nói.
Hiện nhu cầu về bot ảo rất lớn. Ví dụ, các gian hàng thương mại điện tử cần bot để tăng lượng tương tác, tạo ra các đánh giá sản phẩm nhằm tăng doanh thu. Là kỹ sư TikTok, ông Hiếu cho biết nếu tạo làn sóng bot ảo từ một máy tính sẽ rất dễ bị thuật toán của nền tảng như Facebook, TikTok phát hiện. Do đó, bên thực hiện chiến dịch phải huy động nhiều máy tính cùng lúc để khó bị ngăn chặn.
Cùng quan điểm, ông Vũ Hoài Nam, giảng viên khoa CNTT tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng các trang web đang mập mờ về cơ chế đào tiền số trực tuyến. "Họ nói có thể kết nối máy tính của nhiều người để tập trung đủ sức mạnh đào tiền số. Tuy nhiên, việc kết hợp các CPU vốn yêu cầu quá trình thiết lập phần cứng, chạy phần mềm rất phức tạp, không đơn thuần chỉ tải một trình duyệt về như cách họ hướng dẫn", ông cho biết.
Nguy cơ bảo mật
Theo ông Nam, khi đào tiền số trực tuyến, người tham gia còn được yêu cầu làm nhiệm vụ, như làm khảo sát, xem video, kết nối với các trang web lạ... Kết thúc nhiệm vụ, họ nhận về phần thưởng dưới dạng tiền số. Tuy nhiên, quá trình làm nhiệm vụ đòi hỏi họ cấp nhiều quyền truy cập cho trình duyệt web bên thứ ba, do đó tăng nguy cơ về bảo mật.
Thanh Bình, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết đã bị mất tiền sau khi làm nhiệm vụ đào tiền số online. "Nền tảng yêu cầu tôi kết nối ví điện tử với một trang web và thực hiện một vài giao dịch tiền số. Ngay sau đó, lượng tiền số trị giá khoảng 1.000 USD có sẵn trong ví Metamask của tôi tự động chuyển tới địa chỉ ví của tin tặc", anh nói.
Ngoài ra, anh còn mắc kẹt hàng nghìn USD trong các nền tảng DeFi có liên kết với ví Metamask trên. "Tôi đã thử rút một lượng tiền nhỏ về ví, và khoản tiền đó cũng lập tức bị chuyển đi", anh kể.
Ông Hiếu khuyến cáo người dùng cảnh giác với ứng dụng, phần mềm do nền tảng đào tiền số trực tuyến yêu cầu tải về máy tính. Trong khi đó, ông Nam cũng cảnh báo các nền tảng này có khả năng thu thập thông tin cá nhân như mật khẩu ví điện tử và tài khoản mạng xã hội. Chấp nhận tải về phần mềm lạ đồng nghĩa đối mặt nguy cơ lộ dữ liệu lưu trong máy, cũng như nguy cơ khiến máy tính gặp trục trặc do phải hoạt động liên tục với công suất cao.