Anh Dương với khuôn mặt biến dạng và vĩnh viễn mất đi đôi tay, đôi chân.
“Không quên được nụ cười tươi rói của cậu bạn thân”
Cách đây 9 năm (ngày 7/7/2014), vụ tai nạn rơi máy bay Mi171 ở xã Bình Yên (Thạch Thất, TP Hà Nội) đã khiến 20 chiến sỹ tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hy sinh.
Trên chuyến bay ấy, duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương may mắn sống sót. Kể từ khi tai nạn xảy ra đến nay, anh Dương phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp về cả thể chất và tinh thần khi cơ thể không còn nguyên vẹn, khuôn mặt biến dạng và vĩnh viễn mất đi đôi tay, đôi chân.
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tới thăm gia đình anh Đinh Văn Dương. Anh Dương tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đầm ấm và gọn gàng ở khu chung cư nằm trên phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội).
Chứng kiến cảnh anh Dương điều khiển chiếc xe lăn ra mở cửa, bật điện, bật quạt… chỉ với một cánh tay không còn lành lặn, chúng tôi càng khâm phục nghị lực sống của anh. Giờ đây, anh Dương có thể vận động 2 cánh tay, đi lại nhẹ nhàng mà không cần người đỡ, đặc biệt là tinh thần của anh rất tốt.
Anh có thể giúp vợ được việc nhà.
Cuộc sống hiện tại của anh Dương rất vui vẻ vì được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, được ăn những bữa cơm vợ nấu.
Nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng 9 năm trước, anh Dương tâm sự, vụ rơi máy bay ngày 7/7/2014 đã cướp đi 20 người bạn, người đồng chí của anh. Còn anh phải trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật, 3 lần tim ngưng đập, gương mặt, cơ thể anh bị biến dạng đi rất nhiều, thị lực bị suy giảm.
Sau tai nạn, anh từng mất 3 tháng để tập ngồi, 6 tháng tập đứng, tập đi trên đôi chân giả.
Dù di chứng của vụ tai nạn thảm khốc khiến anh không còn lành lặn nhưng trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của anh không bị ảnh hưởng nhiều, dần trở về trạng thái bình thường.
Đôi bàn tay không lành lặn nhưng anh Dương vẫn có thể làm được việc nhà.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, có lúc anh Dương trầm giọng, rớm nước mắt nhớ lại phút giây sinh tử kinh hoàng, khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội.
Mỗi năm gần đến ngày 7/7, cảm xúc của anh về thời khắc đó càng mãnh liệt khiến anh không bao giờ quên.
“Đó là ký ức buồn tôi muốn quên nhưng không thể, càng không thể quên được nụ cười tươi rói của cậu bạn thân tên Quang ở Ba Vì, Hà Nội, vì trước khi máy bay gặp nạn chúng tôi còn trò chuyện, cười đùa với nhau”, anh Dương nhớ lại.
Đan xen với kỷ niệm buồn, anh kể về những câu chuyện của gia đình, cuộc sống thường ngày nơi bệnh viện, của 2 đứa con và cả những dự định tương lai đầy lạc quan.
“Gia đình là động lực giúp tôi có nghị lực sống tiếp”
Những ngày đầu sau khi xuất viện, anh Dương cảm thấy hoang mang, không biết điều gì đang chờ mình phía trước khi vết thương thể xác lẫn tinh thần đang “bủa vây” anh. Nhất là những khi tiết trời thay đổi, những vết thương trên cơ thể lại hành hạ và cơn đau ấy chỉ dừng lại khi thuốc giảm đau với liều cao được đưa vào cơ thể anh.
Hằng ngày, anh vẫn phải dùng từ 10 đến 20 viên thuốc giảm đau để xoa dịu những cơn đau.
Anh Dương nói, gia đình là động lực giúp anh có nghị lực sống tiếp.
Anh Dương từng buông xuôi và muốn giải thoát cho mình bằng một liều thuốc. Rồi giữa những ồn ào thường nhật, anh nằm trên giường bệnh, có lúc nhìn mẹ già tất tả mua cơm, bón cháo, nghe tiếng các con gọi bố, lời động viên của đồng đội, y bác sĩ điều trị... những hình ảnh ấy đã níu giữ anh lại với cuộc đời này. Anh cũng tự nhủ với bản thân phải cố gắng sống tiếp, sống để chiến đấu với cuộc sống thứ 2 mà anh là người duy nhất có được sau vụ tai nạn năm đó.
Hiện tại, phương tiện chính để anh Dương kết nối với thế giới bên ngoài là điện thoại di động, máy tính. Những việc như: đọc sách, báo, pha trà, sử dụng điện thoại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, giờ đây anh đã có thể tự làm được sau khi trải qua quá trình nỗ lực tập luyện.
Những huy chương tại nhà của anh Dương.
“Những lúc khoẻ mạnh tôi có thể giúp vợ lau dọn nhà, cắm cơm. Còn những công việc nặng nhọc khác thì mẹ và vợ tôi hỗ trợ. Tôi có được tinh thần lạc quan, vui vẻ như hiện tại cũng chính nhờ sự động viên, chăm sóc của vợ con cùng gia đình.”, anh Dương chia sẻ.
Anh Dương cho biết thêm, cuộc sống hiện tại của anh rất vui vẻ vì được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, được ăn những bữa cơm vợ nấu, được chơi với các con, dạy con gái lớn viết văn, xem phim hoạt hình cùng con trai út.
Khi rảnh rỗi, anh tự mình đi xe lăn xuống sân chung cư hóng gió buổi chiều, hay ngồi uống nước chè, chuyện phiếm với bảo vệ đến khuya.
“Tôi cảm ơn mẹ và vợ rất nhiều, người đã cùng tôi giành giật lại sự sống sau tai nạn. Gia đình chính là động lực giúp tôi có nghị lực sống tiếp đến hôm nay”, anh Dương xúc động nói.
Nhớ lại hình ảnh anh cùng đồng đội tập huấn khiến anh rơi nước mắt.
Mỗi năm vào ngày 7/7, anh lại cùng gia đình về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi ở Thạch Thất, Hà Nội để thắp hương cho 20 đồng đội.
Ở nơi máy bay rơi, người dân dựng mấy gian nhà tôn, lập một bàn thờ chung cho 20 người lính và khói hương đều đặn.
“Đến đây, nhìn di ảnh từng đồng đội khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi có tâm nguyện một ngày nào đó sẽ xây được một khu tưởng niệm khang trang hơn dành cho đồng đội của mình”, anh Dương chia sẻ.
Biết đó là mong ước rất xa xôi, nhưng đó vẫn điều thôi thúc anh từng ngày, từng giờ. Mỗi một buổi sáng thức dậy, anh ngước nhìn lên bầu trời xanh, nơi đó, đồng đội vẫn đang nhìn anh và mỉm cười.