Tài chính

Giá điện tăng hơn 100 đồng/kWh từ ngày mai 10/5

Tóm tắt:
  • EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, lên hơn 2.200 đồng/kWh từ 10/5.
  • Năm 2023, EVN đã tăng giá điện 4 lần với các mức từ 3% đến 4,8%.
  • Hộ nghèo và chính sách được hỗ trợ điện theo quy định để giảm ảnh hưởng tăng giá.
  • 75% sản lượng điện sử dụng nguồn giá cao như nhiệt điện than, khí, dầu, trong khi thủy điện chỉ chiếm 25%.
  • Bộ Công Thương có trách nhiệm điều chỉnh khung giá điện và giám sát việc tăng giá theo quy định pháp luật.

Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, từ 2.103,1159 đồng/kWh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Như vậy, giá điện từ ngày mai tăng hơn 100 đồng/kWh.

Kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần tăng giá điện, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.

ĐIỆN LỰC BÌNH DƯƠNG_HOÀNG GIÁM (14).jpg
Giá điện tiếp tục tăng. Ảnh: Hoàng Giám

EVN cho biết: Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện. 

Về cơ bản, theo EVN, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Đề cập đến cơ cấu nguồn điện năm 2025, EVN cho biết: Nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hoá lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao.

"Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện", EVN thông tin.

Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, ngày 31/3/2025 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Về thời gian điều chỉnh giá điện, theo quy định mới tại Nghị định 72 vừa được ban hành hồi tháng 3, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 2-5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. EVN sẽ quyết định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi có ý kiến từ Bộ Công Thương.

Nếu cần tăng từ 5-10%, EVN chỉ được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Còn với mức tăng từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Các tin khác

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ

Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Galaxy S25 Edge nhận sự chú ý trước ngày ra mắt

Galaxy S25 Edge sẽ là mẫu smartphone sẽ được Samsung chính thức ra mắt vào 7 giờ sáng ngày 13.5 theo giờ Việt Nam. Hiện tại, sản phẩm này đang tạo ra được nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng công nghệ.

The Cosmopolitan điểm đến mới của dòng tiền ở trung tâm Global Gate Cổ Loa

Trong làn sóng dịch chuyển dòng tiền về những cực tăng trưởng mới, The Cosmopolitan nổi lên như biểu tượng sống động cho một trung tâm tài chính hiện đại tại Thủ đô. Sở hữu hệ sinh thái “full options” cùng tiềm năng gia tăng giá trị rõ rệt, dự án đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và cư dân trẻ thành đạt.

Ấn Độ đạt kỷ lục mới về danh sách tỷ phú

Dù số lượng tỷ phú người Ấn Độ gia tăng, tổng tài sản của họ lại giảm nhẹ trong năm qua. Đáng chú ý, tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có 10 tỷ phú gốc Ấn đang sinh sống và làm ăn, với tổng tài sản lên tới 44,5 tỷ USD.