Tài chính

Fed đang mắc kẹt giữa hàng loạt yếu tố bất lợi

Mức độ tăng lãi suất lần này hoàn toàn trùng khớp với dự đoán của thị trường, theo đó lãi suất cơ bản được nâng thêm 0,25 điểm lên 0,25% – 0,5%. Lần gần đây nhất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là cuối năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng vì Fed chưa đưa ra thông điệp mạnh mẽ một cách rõ ràng cho những lần điều chỉnh tiếp theo, điều mà thị trường lúc này mong đợi được biết hơn cả mức tăng lãi suất là những dự báo cho thấy các nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng tỷ lệ lãi suất sẽ cần tăng bao nhiêu trong năm nay và trong các năm 2023, 2024 để chế ngự lạm phát đã vượt quá tính toán của họ.

Trong lịch sử, hiếm khi ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng lúc phải chống chọi với nhiều sức ép như hiện nay.

Hồi tháng 12, chỉ có một điều khiến Fed bận tâm khi cân nhắc kế hoạch tăng lãi suất, đó là cần phải kiềm chế lạm phát – "tác dụng phụ" của đại dịch Covid-19. Khi đó, thể chế này dự kiến sẽ đưa ra mức tăng lãi suất khiêm tốn, giữa bối cảnh thị trường lao động Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Cuộc chiến ở Châu Âu đột ngột xuất hiện khiến cuộc khủng hoảng sức khỏe lùi về vị trí thứ 2 trong số những áp lực đè nặng lên quyết định chính sách của Fed vào tuần này, buộc họ phải quyết định lựa chọn mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế, khiến triển vọng tăng trưởng trở nên mờ nhạt, thậm chí có nguy cơ bị tiêu tan.

Sau cuộc họp hôm 16/3, Fed dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ mục tiêu lạm phát 2% được Fed đưa ra trước đây. Những diễn biến bất ngờ của thị trường xăng dầu quốc tế và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành nguyên nhân gây đau đầu cho các quan chức Ủy ban Thị trường mở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FOMC).

Fed đang mắc kẹt giữa hàng loạt yếu tố bất lợi - Ảnh 1.

Lạm phát của Mỹ tăng vọt do Covid-19.

Đây được cho là thời điểm khó khăn nhất của Fed kể từ mùa xuân năm 2020 - khi họ không ngần ngại hỗ trợ mở cho một nền kinh tế đang bị đại dịch bằng cách cắt giảm lãi suất quỹ liên bang xuống mức gần bằng 0 và bắt đầu mua trái phiếu với khối lượng khổng lồ. Thất nghiệp khi đó tăng vọt là mối quan tâm hàng đầu và Fed cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ổn định về tài chính trong suốt cuộc khủng hoảng.

Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp hiện đã giảm mạnh xuống còn 3,8%, là mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, và các hộ gia đình đang rủng rỉnh tiền mặt từ các chương trình viện trợ của chính phủ liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, trớ trêu thay, lạm phát lại cao gấp ba lần mục tiêu 2% của Fed, kèm thêm tình hình địa chính trị nóng bỏng trở thành những mối đe dọa hàng đầu, không chỉ thách thức tiến độ hoạch định chính sách của Fed, mà còn làm gia tăng đáng kể tình trạng khó khăn theo kiểu những năm 1970, khi mà ngân hàng trung ương phải chấp nhận một cuộc suy thoái để kiểm soát giá cả.

Fed đang mắc kẹt giữa hàng loạt yếu tố bất lợi - Ảnh 2.

Lạm phát và lãi suất gần đây đã đi ngược chiều nhau.

Kể từ cuộc họp chính sách cuối tháng 1, lạm phát không có dấu hiệu chậm lại một cách rõ ràng, khiến Fed không thể phủ nhận quan điểm về lạm phát dài hạn, một mối lo ngại đặc biệt đối với ngân hàng trung ương, như một dấu hiệu cho thấy liệu ngân hàng này có đang mất lòng tin của công chúng vào khả năng kiềm chế giá cả hay không, cũng bắt đầu tăng lên.

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine không có giải pháp rõ ràng và thậm chí có thể gây ra lạm phát nhiều hơn thông qua việc tăng chi phí năng lượng, tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc thậm chí là sự đảo lộn thương mại và quản trị toàn cầu có thể dẫn đến giá cả liên tục tăng cao không ngừng.

Đã có những dấu hiệu cho thấy đại dịch đang dịu dần, có thể tạo thêm động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ. Dữ liệu được công bố vào đầu tháng này cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng Hai gia tăng mạnh mẽ vượt qua kỳ vọng. Dữ liệu gần đây của Fed cho thấy tiết kiệm của các hộ gia đình vẫn ở mức cao cho đến năm 2021, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí xăng dầu và thực phẩm đã trở nên đắt đỏ.

Tuy nhiên, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ô Powell trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào đầu tháng này đã nói rõ rằng trọng tâm của ông giờ đây là lạm phát và ông đã sẵn sàng nâng lãi suất tăng mạnh, lên đến nửa điểm phần trăm nếu đà tăng giá không chậm lại. Ông đã phải thừa nhận rằng thế giới đã trở nên phức tạp hơn và cần có thời gian để có thể hiểu hết được.

Fed đang mắc kẹt giữa hàng loạt yếu tố bất lợi - Ảnh 3.

Dự báo về lạm phát Mỹ.

Nhìn nhận một cách khách quan, cuộc chiến ở Ukraine chỉ "là một yếu tố thay đổi cuộc chơi và sẽ còn tác động tới chúng ta trong một thời gian rất dài", ông Powell nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 2 tháng 3. "Có những sự kiện chưa xảy ra ... và chúng tôi không biết tác động thực sự lên nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào. Chúng tôi không biết liệu những tác động đó có lâu dài hay không?"

Nếu Fed mắc sai lầm trong việc hoạch định chính sách, chẳng hạn như hành động quá trễ để ngăn chặn lạm phát, và nếu họ buộc phải lựa chọn giữa được và mất giống như thập kỷ 70, những ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ khó có thể lường hết được.

Trong cuộc họp hôm 16/3, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm, và dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Powell gần đây sử dụng các thuật ngữ ít cụ thể hơn như "linh hoạt" cho chính sách. Điều này cho thấy Fed dự kiến tăng lãi suất ổn định trong thời gian tới, song cũng có thể phải tăng tốc hoặc chậm lại để đối phó với các tình huống và tình hình thay đổi nhanh chóng.

Tham khảo: Reuters


Cùng chuyên mục

Đọc thêm