Doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị phòng cháy than khó

Tại hội thảo "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ" chiều 28/5, các doanh nghiệp nêu nhiều khó khăn, trong đó đa số liên quan tới việc nguyên liệu đầu vào để sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy đang chịu thuế suất cao.

Từ Hải Dương, ông Phan Thanh Hoài, đại diện cho Công ty TNHH Tomoken Việt Nam, cho biết để sản xuất được một bình chữa cháy trong nước, đơn vị phải nhập khẩu nhiều vật liệu, trong đó riêng tôn để sản xuất vỏ bình chữa cháy khoảng 300 tấn/tháng. Theo quy định về thuế nhập khẩu, đơn vị đang phải chịu 7% thuế nhập khẩu và 25% thuế chống bán phá giá.

"Như vậy mỗi tháng chúng tôi mất 32% thuế nhập khẩu để sản xuất bình chữa cháy. Với 300 tấn mỗi tháng, số chi phí bỏ ra rất lớn. Trong khi nếu nhập một bình chữa cháy từ Trung Quốc hay Nhật Bản thì thuế nhập khẩu chỉ 0%", ông Hoài nói, cho rằng các đơn vị sản xuất trong nước đang gặp bất lợi hơn so với nhập khẩu.

Theo ông Hoài, trước đây Việt Nam chưa sản xuất được thiết bị phòng cháy chữa cháy, đa số nhập khẩu nên có thể không được quan tâm nhiều. Song ở thời điểm hiện tại, trong nước đã có thể sản xuất được nhiều sản phẩm thì nhà nước phải có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp. "Đó là lý do mà các sản phẩm phòng cháy sản xuất trong nước có giá rất cao gấp đôi, gấp ba so với sản phẩm nhập khẩu", ông Hoài nói.

Cùng ý kiến, ông Trần Vũ Nhật, Giám đốc Công ty TNHH S-TEC VINA, cho biết có nhiều nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa có trong nước mà phải nhập khẩu. "Việc nhập các nguyên liệu về sản xuất bị đánh thuế cao hơn nhiều so với việc nhập một sản phẩm hoàn thiện", ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định về môi trường, thì xuất hiện một vấn đề về hạn ngạch nhập khẩu liên quan tới khí chữa cháy HFC (hydrofluorocarbon), thường được dùng trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy... Khi đơn vị nhập về để sản xuất thì bị kiểm soát về hạn ngạch, trong khi các đơn vị nhập khẩu một sản phẩm hoàn thiện từ Trung Quốc hay các nước khác không bị kiểm soát về hạn ngạch nhập khẩu. "Đây là một hạn chế rất lớn, nếu duy trì có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng", ông Nhật cho biết.

Cũng theo đại diện S-TEC VINA, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nếu như có các sản phẩm tương đương với nhập khẩu.

Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn, đại diện Công ty Shinyi, đơn vị chuyên sản xuất van chữa cháy cho hay các nguyên vật liệu phục vụ cho việc đúc van chữa cháy phải nhập khẩu cao, khi tính giá thành thì sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu.

Ông Lê Xuân Thả, đại diện Công ty CP sản xuất bình chữa cháy FICO nói bình chữa cháy trong nước đang không cạnh tranh được với ngay cả bình sản xuất trôi nổi, nên cần nâng thuế nhập khẩu với các thiết bị phòng cháy chữa cháy thành phẩm.

Ông Phạm Văn Hòa, đại diện Công ty FireFoam, nêu ý kiến về việc bình chữa cháy sản xuất trong nước đang bị kiểm tra tới hai lần. "Khi sản xuất một bình thành phẩm, ngoài việc kiểm tra chất lượng đầu vào, sau đó còn kiểm định sản phẩm, trong khi nhập khẩu vỏ bình chỉ bị một lần", ông Hòa nói.

Từng nhiều lần đi tham khảo thị trường, ông Hòa nói có lần mua một bình chữa cháy xuất xứ Trung Quốc về để kiểm tra chất lượng bên trong thì kết quả rất kém. Hiện công ty này đang sản xuất bình chữa cháy gốc nước, trên thị trường chưa nhiều, song ông Hòa lo ngại chỉ một thời gian nữa hàng giả sẽ xuất hiện rầm rộ.

Ông Phạm Văn Hòa nói thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang cao. (Ảnh: Việt An).

Ngoài thuế về nguyên vật liệu cao, theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy thì thời gian kiểm định sản phẩm hiện quá lâu, thủ tục phức tạp, một lô hàng sản xuất ra phải đợi kiểm định dán tem, dẫn đến việc xoay vòng vốn bị ảnh hưởng, cũng như tăng chi phí.

Lấy dẫn chứng, đại diện Công ty Duhal có nhà máy chuyên sản xuất đèn Exit và đèn sự cố khẩn cấp trụ sở đặt tại TP HCM cho biết mỗi lô hàng đều bị kiểm định kéo dài 2,3 tháng, trong khi sản phẩm sử dụng pin để lâu sẽ ảnh hưởng.

"Cùng mã hàng, nhiều lúc việc kiểm định trong nước còn khó hơn việc lấy chứng nhận quốc tế. Chúng tôi từng sản xuất cho thị trường châu Âu, Mỹ nhưng họ chỉ kiểm định sản phẩm một lần, hàng năm sẽ có kiểm tra nhà máy, như này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Những quy định hiện nay chúng tôi cho rằng chưa kích thích được các doanh nghiệp trong nước", đại diện Duhal nói. Theo ông cần rút ngắn quy định về kiểm định, chỉ cần kiểm tra một lần cho một mã sản phẩm, sau đó doanh nghiệp sẽ buộc phải cam kết duy trì chất lượng sản phẩm.

Các sản phẩm phòng cháy chữa cháy mang tính phát triển mới, nghiên cứu mới ra thị trường hiện cũng mất rất nhiều thời gian do chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Trong khi các sản phẩm sản xuất trong nước bị làm nhái rất nhiều. Sản phẩm chỉ cần đưa ra thị trường một thời gian là xuất hiện sản phẩm khác lấy nguyên thông số sản phẩm dù bên trong hoàn toàn khác nhau.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam cho hay hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ, các vấn đề về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... đối với các doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong nước.

Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Hội sẽ đề xuất sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm