"Các bạn trẻ ngày nay khởi nghiệp rất khác chúng tôi cách đây 30 năm. Nhiều bạn trẻ có điều kiện đi du học, thu nạp kiến thức phong phú và ao ước có một dự án kinh doanh cho riêng mình.
Các bạn chỉ thiếu duy nhất kinh nghiệm! Vậy nên, việc các bạn cần làm là phải rèn luyện bản lĩnh trên thương trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng – thị trường mảng mình hoạt động, có lộ trình xây dựng thương hiệu – doanh nghiệp phù hợp", ông Trần Lệ Nguyên bày tỏ khi làm Giám khảo trong cuộc thi Startup Wheel 2022.
Theo ông, dù bạn có giải hay không ở Startup Wheel năm nay, đều không quan trọng. Thua keo này ta bày keo khác! Thất bại ở Startup Wheel 2022 là tạm thời chứ không phải mãi mãi!
"Tôi muốn nhắn nhủ các startup rằng: không doanh nghiệp nào có thể bùng nổ ngay từ đầu, mà phải bước từng bước xây dựng hệ thống vững mạnh. Và tôi cũng muốn động viên các bạn rằng: chúng ta phải có hoài bão, phải tự tin thì chúng ta mới thành công được.
Sau 30 năm nỗ lực không ngừng, KIDO mới chạm đến những mốc son và hôm nay, tôi mới có cơ hội đứng trên sân khấu. Các bạn còn nhiều cơ hội phát triển, vươn đến đỉnh cao," CEO KIDO khẳng định.
Thành tựu mà ông cảm thấy tự hào nhất ở KIDO là đã làm được 2 thương vụ M&A vô cùng thành công. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sau đó bán cho doanh nghiệp nước ngoài, thì KIDO còn tiến hành M&A các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.
Năm 2006, KIDO đã mua Kem Wall với giá khoảng 1 triệu USD. Lúc đó, Kem Wall đang gặp rất nhiều khó khăn đến nỗi có thể ngừng hoạt động tại Việt Nam. Nhưng nay, Kem Wall đã được các nhà đầu tư định giá khoảng 400 triệu đô. Tức sau 18 năm, KIDO đã tăng giá trị cho Kem Wall lên gấp 400 lần.
Với trường hợp Dầu Tường An, thời điểm KIDO tiếp quản, doanh số chỉ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng sau hơn 4 năm dưới 'triều đại' mới, doanh số thương hiệu đã hơn 8.000 tỷ và lãi 500 tỷ đồng - gấp 8 lần trước đó.
Ngoài ra, theo ông, các doanh nhân trẻ ngày nay có nhiều lợi thế mà các thế hệ đàn anh không có. Sau khi bước vào kinh doanh, họ cũng có nhiều điều kiện để bổ sung kiến thức - công nghệ hơn so với các thế hệ trước và có sự hỗ trợ của nhiều bên. Mặc dù, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chưa trưởng thành lắm so với các nước phát triển, nhưng so với cách đây 30 năm là ‘một trời một vực’.
Một startup bây giờ, nếu năng động có thể xin sự hỗ trợ nhiều thứ từ đoàn thể - chính phủ, các vườn ươm…hoặc tìm kiếm nguồn tài chính từ các tổ chức phi chính phủ, các cuộc thi khởi nghiệp như Startup Wheel, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các ‘nhà đầu tư thiên thần’, các tập đoàn lớn như KIDO.
"Bây giờ, nhiều Tập đoàn lớn của Việt Nam và cả các startup đều có ý định chuyển dịch thị trường sang Đông Nam Á. Vậy nên, các startup Việt có nhiều cơ hội đồng hành với các đàn anh ra biển lớn, nếu như họ trở thành vệ tinh hoặc công ty liên kết.
Nếu làm theo cách này, các startup có thể rút ngắn thời gian thành công, hơn là phải tự mò mẫm, dò đường. Nếu tự đi, các startup sẽ mất nhiều thời gian và đầu tư lớn!", CEO Tập đoàn KIDO nhận định.
Cụ thể: Tập đoàn KIDO sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ thực hiện chí lớn, nhất là những startup thiếu tài chính, kinh nghiệm lẫn năng lực quản trị. KIDO hiện có 450.000 điểm bán lẻ trong ngành hàng khô và 120.000 điểm bán trong ngành hàng lạnh, các bạn trẻ có thể tận dụng kênh này nếu có sản phẩm đủ tốt.
"Chỉ cần startup có hoài bão và tự tin, KIDO sẽ hỗ trợ hết mình để các bạn có thể đi xa hơn, tránh rủi ro...", ông Trần Lệ Nguyên hứa hẹn.