Kết thúc tháng 8, VN-Index đóng cửa ở mức 1.282,6 điểm, tăng 6,73% so với đầu tháng. Giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn đạt khoảng 18.560 tỷ đồng, tăng 36% so với tháng trước đó.
Chứng khoán VNDirect tin rằng sự phục hồi mạnh mẽ của VN-Index được hỗ trợ bởi các yếu tố sau: (1) lạm phát có xu hướng hạ nhiệt ở cả Mỹ và Việt Nam, (2) lạm phát phát có xu hướng hạ nhiệt ở cả Mỹ và Việt Nam, (3) tâm lý thị trường được cải thiện với kỳ vọng Fed giảm tốc quá trình tăng lãi suất trong quý IV/22, (4) đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sự tham gia của dòng tiền đầu cơ.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 3,8% và 3,7% so với đầu tháng. Có thể thấy mức tăng điểm của VN-Index vượt trội hơn so với chỉ số sàn HNX và thị trường UPCoM.
Thị trường tăng cả về điểm số và thanh khoản đã để ngỏ những tín hiệu lạc quan về triển vọng trong trung hạn. Bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường, tổ chức trong nước có tháng bán ròng 1.362 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 149 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước chốt lời nhóm dầu khí, thép
Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của tổ chức trong nước trong nước diễn ra ở 10/18 ngành. Trong đó, cổ phiếu dầu khí là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị 284 tỷ đồng, dù trong tháng 7 được mua ròng 28 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí có chỉ số giá toàn ngành tăng 6,92%, tỷ trọng giá trị giao dịch cũng tăng từ mức 4,6% lên 5,09% toàn thị trường.
Theo quan sát, xu hướng giao dịch của các tổ chức nội cũng đảo chiều ở nhóm tài nguyên cơ bản với việc bán ròng 268 tỷ đồng sau khi mua gom hơn 58 tỷ đồng trong tháng trước đó.
Chưa dừng lại, lực xả của các tổ chức nội còn tìm đến các ngành xây dựng & vật liệu (210 tỷ đồng), bất động sản (200 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (192,4 tỷ đồng). Thống kê cho thấy dòng chứng khoán mặc dù tăng 9,86% trong tháng 8 nhưng vẫn giảm 37,37% từ đầu năm, là ngành giảm mạnh thứ 2 sau nhóm truyền thông.
Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các cổ phiếu thực phẩm và đồ uống được đẩy mạnh lên 436 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần giá trị tháng trước và là nhóm tập trung chủ yếu lực cầu trong tháng 8.
Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương đối tích cực trong tháng qua còn có hàng và dịch vụ công nghiệp (308 tỷ đồng), hóa chất (154 tỷ đồng), công nghệ thông tin (146 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (50 tỷ đồng), ngân hàng (30 tỷ đồng).
Tổ chức trong nước tập trung xả PLX, HPG
Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước khá phân tán thay vì tập trung vào một số nhóm ngành cụ thể. Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 333,5 tỷ đồng. Thị giá PLX có nhịp tăng nhẹ gần 2,7% lên 42.200 đồng/cp trong tháng 8.
Tương tự, cổ phiếu của ông lớn ngành thép Hòa Phát cũng bị các tổ chức nội bán ròng gần 283,4 tỷ đồng tuần qua bất chấp nỗ lực nâng đỡ từ tự doanh và khối ngoại.
Bên cạnh đó, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng bị bán ròng 247,3 tỷ đồng. Theo báo cáo Techcombank, Chứng khoán VNDirect ước tính tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm và đạt 13,5%/17% trong năm 2022 - 2023.
Tuy vậy, các chuyên gia của VNDirect vẫn cho rằng lợi nhuận ròng của ngân hàng dự kiến vẫn tăng trưởng tốt 25%/18% nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ổn định (5,6% và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc IPO công ty chứng khoán dự kiến sẽ là trợ lực cho cổ phiếu TCB.
Bên cạnh đó, chuyên gia VNDirect dự báo thu nhập từ phí tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2022-2023 (từ mức 30% dự phóng trước đó), chủ yếu nhờ phí dịch vụ thanh toán và bảo hiểm. Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư sẽ khó tăng mạnh do ảnh hưởng bởi những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đây cũng là nguyên nhân các chuyên gia giảm dự phóng thu nhập từ phí trong năm 2022.
Trở lại với giao dịch của khối tổ chức nội, hai mã còn lại trong Top5 bán ròng là 2 đại diện bất động sản VIC và VGC với giá trị rút ròng lần lượt là 233,9 tỷ và 143,6 tỷ đồng.
Ở chiều mua vào, giao dịch mua ròng tập trung ở cổ phiếu VNM với giá trị 329,7 tỷ đồng. Giao dịch của các tổ chức nội đồng thuận với nhóm nhà đầu tư nước ngoài giúp VNM gần đây đã lấy lại xu thế tăng giá dài hạn khi vượt thành công ngưỡng cản MA200 với lực cầu tham gia tương đối tốt.
Cùng chiều, dòng tiền của tổ chức trong nước cũng tìm đến mã REE (218,9 tỷ đồng), ACB (167,5 tỷ đồng), FPT (163,4 tỷ đồng), SSB (144,4 tỷ đồng).