"Xanh hóa" ngành dệt may, yêu cầu cấp thiết
Sản xuất ngành Dệt May, bao gồm cả trồng bông, sử dụng khoảng 93 tỷ mét khối nước hàng năm và chiếm 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới. Không những vậy, 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu là phát sinh từ các hoạt động xử lý hàng dệt nhuộm.
Sản xuất hàng dệt may cũng tiêu tốn năng lượng để vận hành nhiều loại thiết bị, tạo ra hơi và nhiệt cho các quy trình xử lý khác nhau. Trong năm 2016, ngành Dệt May đã phát thải 3.3Gt khí CO2 quy đổi và chiếm 6.7% tổng phát thải này của toàn cầu. Thông tin từ tài liệu hướng dẫn xanh hóa ngành dệt may ở Việt Nam của WWF (World Wide Fund For Nature - tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên)
Dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm nhưng câu chuyện này không thể kéo dài mãi...
Các cơ quan quản lí châu Âu đã tuyên chiến với “thời trang nhanh”. Đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, phần lớn được làm từ sợi polyester tái chế, không chứa các chất độc hại và tuân thủ nhân quyền.
Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey tháng 4/2020 chỉ ra rằng 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền. Có tới 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang.
Sức ép từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động để cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Các hãng không thể làm ngơ trước xu hướng "xanh hóa" ngành dệt may
Các tên tuổi thời trang lớn trên thế giới như Uniqlo, Hm, Gap, Levi Strauss & Co đã đưa ra nhiều giải pháp và chương trình hành động vì sự phát triển bền vững như thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu tái chế trong ngành thời trang, ví dụ polyester, kính, kim loại, cotton thải, v.v…; Giảm phát thải CO2 trong vận hành của nhãn hàng và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ; Đổi mới trong công nghệ sản xuất và thiết kế để giảm sử dụng nước; Thu thập các sản phẩm cũ để sáng tạo thành style mới và hỗ trợ mục đích tuần hoàn; Giảm lượng nhựa sử dụng 1 lần trong các cửa hàng chính hãng..
Tại Việt Nam, từ năm 2015, Công ty Dệt may Thành Công TCM đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD) để có những sản phẩm thời trang thân thiện môi trường. Việc thành lập trung tâm này giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính, đó là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống
Cùng với TCM, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư xưởng sản xuất, trang thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới.
Điều đáng nói, giờ đây các nhà sản xuất tạo ra sợi vải không chi từ bông hoặc sợi tái chế mà còn có những nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp như: bã cafe, thân cây chuối,..
Mới đây, một startup sản xuất sợi từ lá dứa đã kêu gọi đầu tư thành công trên chương trình SharkTank Việt Nam với số tiền 3 tỷ đồng cho 30 % cổ phần.
Được thành lập năm 2021, Ecosoi chuyên phát triển những dòng máy tạo ra sợi vải bằng vật liệu xanh như máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi,.. để tạo ra sản phẩm chính là sợi thô và sợi đánh bông.
Chị Vũ Thị Liễu, nhà sáng lập Ecosoi đồng thời là 1 giảng viên môi trường cho biết với mỗi quả dứa được thu hái, người nông dân sẽ bỏ đi 2-3kg lá dứa, như vậy có cả triệu tấn lá dứa được bỏ đi hàng năm.
Ý tưởng của startup là biến những sản phẩm nông nghiệp bỏ đi như lá dứa thành sợi vải, từ đó góp phần tạo thêm giá trị cho nông sản. Sản phẩm của Ecosoi đã có khách hàng tại Việt Nam và từng được mời đi triển lãm tại các sự kiện thời trang xanh trên khắp thế giới.
Khi được đặt câu hỏi so sánh sợi dứa với sợi bông, startup cho biết sợi dứa đắt hơn sợi bông gấp 2,5 lần. Loại sợi này thấm hút mồ hôi tương đương nhưng tính cơ lý bền hơn so với sợi bông.
Trên thực tế, sợi vải từ lá dứa không phải mới. Piña là một loại sợi được làm từ lá của cây dứa và được sử dụng phổ biến ở Philippines. Quần áo từ vải sợ Piña được cho là đã xuất hiện ở Hy Lạp và các nước châu Phi từ nhiều thế kỷ trước.
Đôi khi nó được kết hợp với lụa hoặc polyester để tạo ra các loại vải dệt khác nhau. Từ “Piña” bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là quả dứa.
Tuy nhiên, nguồn gốc của việc sản xuất sợi vải từ lá dứa bắt nguồn từ Philippines. Vải dệt Piña là một truyền thống lâu đời có từ thời Tây Ban Nha. Trong suốt thế kỷ 19, vải sợi Piña cho thấy nhu cầu thị trường rất cao, không chỉ ở Philippines mà trên phạm vi toàn thế giới.
Điểm ưu việt của Ecosoi là nếu các nhà sản xuất tại Philippines cần 7 kg để cho ra 1 kg sợi thì Ecosoi chỉ cần 55 kg lá được 1 kg sợi thô. Và startup cho biết để ra được 1m vải bình thường sử dụng hết 65l nước, còn vải sợi dứa chỉ cần dùng 30l nước.
Năm 2022, Ecosoi đã xuất ra thị trường khoảng 14 tấn sợi được làm từ lá dứa.
Nhận được 2 đề nghị từ Shark Liên - Shark Eric và Shark Hùng Anh, Ecosoi đã chọn đồng hành đi cùng shark Hùng Anh với số tiền 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần.