BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư cổ tử cung phổ biến ở phụ nữ, có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán kịp thời.
Khí hư bất thường
Khí hư (huyết trắng) là dịch tiết âm đạo tự nhiên, thường bắt đầu xuất hiện từ tuổi dậy thì. Khí hư bình thường có màu trắng trong, dai, không mùi. Nếu dịch tiết này chuyển màu, có mùi khó chịu hoặc lẫn máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Khí hư liên quan đến ung thư cổ tử cung thường có màu nhạt, loãng, lẫn máu hồng hoặc nâu, mùi bất thường.
Kinh nguyệt ra nhiều
Ung thư cổ tử cung có thể gây ra kinh nguyệt ra nhiều và dài hơn bình thường. Thay đổi này trong chu kỳ kinh nguyệt có thể bình thường đối với nhiều phụ nữ do yếu tố căng thẳng hoặc thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, kinh nguyệt thay đổi, kèm đau vùng chậu là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung.
Chảy máu bất thường
Đây là dấu hiệu phổ biến và thường gặp ở giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung. Phụ nữ có thể chảy máu vào giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng chỉ ra các tình trạng khác từ nhiễm trùng đến viêm. Khi xuất hiện chảy máu bất thường, phụ nữ cần đi khám, kiểm tra ngay để loại trừ nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Quang Nhật (trái) phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung điều trị ung thư cho một bệnh nhân. Ảnh: Tuệ Diễm
Đau khi giao hợp
Nhiều phụ nữ ngại chia sẻ vấn đề này khi đi khám phụ khoa. Cảm giác đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục có thể là một trong những dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung. Bác sĩ Quang Nhật khuyên phụ nữ không nên bỏ qua triệu chứng này. Phát hiện và can thiệp sớm có thể cứu sống bệnh nhân. Người mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn trễ có thể đau và sưng chân, đau lưng, đau xương, đau vùng chậu, rò nước tiểu, chán ăn, sụt cân.
Trong đó, đau kèm theo sưng một bên chân là dấu hiệu ít ngờ nhất của ung thư cổ tử cung, theo bác sĩ Quang Nhật. Khi khối u phát triển lớn dần, tế bào ung thư tăng sinh nhiều sẽ chèn vào các dây thần kinh ở vùng xương chậu gây ra đau, sưng chân. Tuy nhiên, dấu hiệu đau, sưng chân phổ biến ở nhiều bệnh lý, trường hợp do ung thư cổ tử cung thì chúng có đặc điểm là cơn đau kéo dài dai dẳng, có thể đến và biến mất trong một vài ngày, sau đó quay trở lại.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, phụ nữ cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác. Ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc nhờ khám phụ khoa định kỳ. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm Pap, xét nghiệm HPV hoặc trong một số trường hợp có thể cần thực hiện cả hai xét nghiệm này. Sau đó, soi cổ tử cung và lấy mẫu sinh thiết khi kết quả Pap hoặc HPV có dấu hiệu bất thường.
Xét nghiệm Pap nhằm phát hiện các tế bào tiền ung thư và ung thư. Xét nghiệm HPV được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm lấy từ âm đạo, cổ tử cung. Xét nghiệm có khả năng phát hiện 14 chủng HPV nguy cơ cao có khả năng gây ung thư.
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |