Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể. Các biểu hiện bên ngoài da có thể là dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe bên trong cơ thể. Chế độ ăn uống hoặc mỹ phẩm có thể gây ra các vấn đề về da, song căng thẳng cũng là thủ phạm tiềm ẩn. Sự gia tăng đột biến của hormone cortisol khi stress, lo âu có thể làm xáo trộn các thông điệp mà dây thần kinh gửi đi, gây ra các tình trạng như mụn trứng cá, viêm nhiễm, phát ban, nếp nhăn... Dưới đây là 8 biểu hiện cho thấy căng thẳng làm thay đổi làn da.
Viêm và kích ứng
Mề đay, vảy nến, bệnh chàm, viêm da và bệnh trứng cá đỏ thường là kết quả của tình trạng viêm, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng khi não hoạt động quá mức có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Nói cách khác, căng thẳng khiến làn da khó điều chỉnh và duy trì sự cân bằng hơn.
Viêm cũng có thể gây ra mụn trứng cá. Nhiều người bị nổi mụn nhiều hơn sau một tuần mất ngủ. Để giảm tình trạng viêm, hãy tìm ra lý do chính xác gây căng thẳng và thư giãn tinh thần bằng thực phẩm lành mạnh, tập thể dục hoặc các liệu pháp tâm lý.
Tăng tiết dầu và mụn
Stress có liên quan mật thiết đến mụn trứng cá, nhất là ở phụ nữ. Căng thẳng có thể làm rối loạn các tín hiệu thần kinh của da, gây mất cân bằng hormone và hóa chất làm tăng sản xuất dầu. Dầu dư thừa làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và hình thành mụn.
Các sản phẩm trị mụn thường chứa một loại axit beta-hydroxy được gọi là axit salicylic. Đây là hóa chất hòa tan trong dầu, có khả năng thẩm thấu vào lỗ chân lông rất tốt để làm sạch và thông thoáng. Tuy nhiên, dùng quá nhiều hoặc axit salicylic quá mạnh có thể làm khô và thậm chí kích ứng da.

Da nổi mụn, kích ứng, nhạy cảm hơn có thể là hậu quả của tình trạng stress. Ảnh minh hoạ: Đinh Tiên
Da đầu nhờn, rụng tóc và móng tay bong tróc
Khi gặp căng thẳng, nhiều người vô thức giật tóc, cắn móng tay. Đó có thể là do hormone cortisol kích hoạt phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" của cơ thể. Tuy nhiên, da có vảy hoặc nhờn có thể là bệnh chàm, rụng tóc hoặc móng tay bong tróc cũng có thể là do thiếu dinh dưỡng do bỏ bữa. Do đó, người gặp tình trạng này nên đến bác sĩ da liễu khám để được chẩn đoán nguyên nhân do căng thẳng hay bệnh lý tiềm ẩn.
Trong thời gian này, hãy tránh tắm nước quá nóng để tránh làm tổn thương thêm da và da đầu. Tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều trái cây, rau củ giàu dinh dưỡng.
Da mỏng và nhạy cảm hơn
Da có thể mỏng hơn khi nồng độ cortisol cao bất thường. Cortisol dẫn đến sự phân hủy các protein ở da, có thể khiến da trông mỏng như giấy, dễ bị bầm tím và trầy xước. Tuy nhiên, triệu chứng này thường gặp nhất có liên quan đến hội chứng Cushing. Đây là bệnh nội tiết tố liên quan đến tăng cortisol, bao gồm các triệu chứng bổ sung như không dung nạp glucose, yếu cơ và hệ thống miễn dịch suy yếu. Hầu hết các trường hợp này có thể điều trị bằng thuốc kê đơn để kiểm soát nồng độ cortisol.
Vết thương lâu lành
Khi căng thẳng nghiêm trọng, lớp biểu bì nhanh chóng bị suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Điều này cũng làm chậm khả năng chữa lành tự nhiên của da với vết thương, sẹo và mụn trứng cá.
Để phục hồi hàng rào bảo vệ da, bạn có thể sử dụng các sản phẩm có chứa glycerin và axit hyaluronic. Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để chống lại các gốc tự do có hại và tăng cường quá trình chữa lành bên trong. Ngoài uống nước đầy đủ, hãy sử dụng các sản phẩm chứa thành phần giữ ẩm cho da và thúc đẩy lành thương.
Quầng thâm mắt
Quầng thâm ở mắt là dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu ngủ và cũng là biểu hiện của căng thẳng. Cơ thể duy trì tiết hormone căng thẳng adrenaline theo chu kỳ liên tục, bao gồm cả vào đêm khuya. Adrenaline tăng cường sự tỉnh táo của cơ thể để sẵn sàng cho "phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy", nhưng cũng ngăn cản cơ thể đi vào giấc ngủ. Thiếu ngủ, đặc biệt là thiếu ngủ kéo dài, có thể gây ra căng thẳng mạn tính, dẫn đến cơ thể liên tục tiết ra adrenaline.
Ngoài thiền và yoga giúp dễ ngủ, bạn có thể sử dụng máy khuếch tán tinh dầu, bật máy tạo tiếng ồn trắng và tránh sử dụng thiết bị điện tử khoảng hai giờ trước khi ngủ.
Nếp nhăn
Cau mày thường xuyên do căng thẳng góp phần tạo ra nếp nhăn trên da. Mọi người có thể thử yoga cho mặt để giảm nếp nhăn. Phương pháp này nhắm vào các cơ mặt mà chúng ta vô thức sử dụng hàng ngày, thông qua các kỹ thuật massage ở những vùng có độ căng thẳng cao như trán, lông mày và đường viền hàm. Các bài tập này có thể chống lại các nếp nhăn đang phát triển và giúp da mềm mại và đàn hồi.
Dùng con lăn ngọc bích để hỗ trợ tác động lên mặt, kích hoạt hệ thống bạch huyết, từ đó có thể giảm các tổn thương do căng thẳng trên da.
(Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |