Chiều 7.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
ẢNH: GIA HÂN
Xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sửa đổi luật Cán bộ, công chức lần này là dịp để thay đổi một cách toàn diện về tư duy và triết lý quản lý công vụ.
Trong đó, vị trí việc làm sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi, quyết định từ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… đối với cán bộ, công chức.
Bà Trà nhấn mạnh đến việc khắc phục tư duy biên chế suốt đời, "nếu không cứ vào được biên chế rồi ngồi chắc ở đó mà không bao giờ ra".
Để làm được điều này cần có 2 công cụ. Một là đánh giá cán bộ, công chức trên cơ sở vị trí việc làm, sử dụng tối đa công nghệ thông tin. Việc đánh giá sẽ dựa trên dữ liệu đầu vào, đầu ra, "anh làm được việc gì, bao nhiêu sản phẩm…", thay vì định tính, chung chung.
Hai là sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học hoặc một số vị trí việc làm) thay vì bố trí biên chế cứng. Đây là xu thế chung của nhiều quốc gia có nền công vụ tiên tiến; từ đó mở ra cơ chế tuyển dụng, quản lý linh hoạt hơn, dần tiến tới không còn biên chế suốt đời.
Ủng hộ quy định về vị trí việc làm, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nhận định, "từ xưa đến nay khó nhất là đánh giá cán bộ, công chức", vì đây là cơ sở để thực hiện tuyển dụng, quản lý, đề bạt….
Ông Phàn kỳ vọng việc đánh giá cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm sẽ hạn chế cảm tính, chủ quan. Song, theo ông Phàn, để đạt hiệu quả thì cần số hóa các tiêu chí đánh giá, "cứ đưa vào máy là ra kết quả, thay vì vẫn cần một ông đi đánh giá, máy chấm điểm thì không thể cãi được".

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị
ẢNH: GIA HÂN
Vì sao vẫn giữ ngạch công chức?
Trong dự thảo trước đây gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo từng đề xuất bãi bỏ toàn bộ các quy định về ngạch công chức. Công tác quản lý cán bộ, công chức sẽ được thực hiện theo vị trí việc làm.
Tuy nhiên, tại dự thảo đưa ra thảo luận tại kỳ họp 9, các nội dung về ngạch công chức đã được quy định trở lại. Vì sao đã thiết kế vị trí việc làm nhưng dự thảo vẫn quy định về ngạch công chức?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, ngạch công chức "đang tồn tại rất hiện hữu", là công cụ kỹ thuật rất hữu hiệu để phân định thứ bậc công vụ. Từ nay đến khi cải cách tiền lương còn cả một chặng đường, nếu bỏ ngay sẽ rất khó để thiết kế các vấn đề liên quan cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, như đã nói, ngạch công chức sẽ chỉ là công cụ kỹ thuật để phân biệt thứ bậc chứ không phải là vấn đề cốt lõi của công vụ. "Nó khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau", bà Trà nói.
Cùng đề cập về ngạch công chức, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nói dự thảo hiện đang quy định 6 loại ngạch: chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên và ngạch khác theo quy định.
Theo ông Đồng, đây là những ngạch đã có từ nhiều chục năm nay, đã tới lúc cần thay đổi cho phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền 2 cấp và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp….
Vị đại biểu đề xuất quy định các ngạch gồm chuyên gia, cao cấp, chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên…; đồng thời không ghi "ngạch khác" như trong dự thảo.