"Cha mẹ nghĩ rằng tôi là nỗi ô nhục", Wu Kaisi cho biết. "Với họ, nổi tiếng nhờ nhặt phế liệu cũng đáng hổ thẹn như nổi tiếng nhờ cởi trần chạy trên đường".
Lần đầu tiên chàng trai 27 tuổi thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc là vào năm 2014, khi anh đi bộ hơn 1.800 km từ Quảng Châu đến Thành Đô chỉ với một đôi dép lê. Tuy nhiên, phải đến khi theo đuổi con đường nhặt phế liệu chuyên nghiệp, anh mới trở nên nổi tiếng toàn quốc.
Wu nhận được nhiều sự quan tâm bởi không ai nghĩ một cử nhân trẻ tuổi lại chọn kiếm sống bằng nghề nhặt rác. 6 năm trước, anh tốt nghiệp trường luật trực thuộc ĐH Công nghệ Nam Trung Quốc tại tỉnh Quảng Châu.
"Giống như nhiều bậc phụ huynh truyền thống khác, cha mẹ luôn mong tôi trở thành công chức hoặc làm trong hệ thống nhà nước", Wu nói.
Tuy nhiên, anh lại dành phần lớn thời gian xới tung những bãi phế liệu, tìm kiếm đồ cổ tại chợ trời vào mỗi sáng thứ Bảy và tối thứ Hai.
Wu cho biết, anh làm điều này không chỉ để kiếm tiền. Chàng trai 27 tuổi muốn xây dựng một nền văn hóa mới tại Trung Quốc, nơi mọi người chấp nhận và cởi mở với thương mại đồ cũ, thông qua các hội chợ và chợ trời như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Wu Kaisi
Đam mê kỳ dị đem lại thu nhập lên đến 180 triệu VNĐ/tháng
Niềm đam mê thu thập phế liệu và đồ cũ của Wu được nhen nhóm bởi một chuyến du lịch Mỹ kéo dài 2 tháng hồi anh đang học năm cuối đại học.
"Tôi tìm được chỗ ngủ ở sân bay, trạm xe buýt, công viên hoặc ở nhờ nhà bạn quen trên mạng. Do đó, tôi không cần tốn tiền thuê khách sạn", Wu nhớ lại.
Vì đi du lịch theo phong cách lang bạt, chàng trai trẻ ít khi tìm được chỗ giặt quần áo. Anh phải đến chợ trời ở các địa phương để mua nhu yếu phẩm, chẳng hạn như vài chiếc áo phông và quần giá 50 xu. Khi quần áo bẩn, anh có thể vứt đi một cách dễ dàng.
Ngạc nhiên trước sự thịnh hành của những khu chợ đồ cũ tại Mỹ, Wu bắt đầu tự hỏi tại sao mình không làm điều tương tự ở quê nhà.
"Tôi đã sống ở Trung Quốc hơn 20 năm nhưng chẳng biết gì về chợ trời", anh giải thích. "Gần như không có chút thông tin nào về loại hình này trên mạng Internet".
Sau khi quay trở về Trung Quốc vào năm 2015, anh bắt đầu tìm kiếm các mô hình chợ trời ở Quảng Châu. Tuy nhiên, quảng cáo gần đây nhất mà anh nhìn thấy đã được đăng từ 8 năm trước. Một bình luận cho biết rằng khu chợ này đã đóng cửa vĩnh viễn.
Không nản chí, Wu mở rộng phạm vi tìm kiếm và phát hiện ra 30 địa điểm tương tự ở gần khách sạn và bến xe. Anh đã dành 3 tuần để ghé thăm từng nơi một. Cuối chuyến đi, anh có trong tay địa chỉ của hàng tá chợ trời ở Quảng Châu.
"Tôi nổi hết da gà khi lần đầu tiên nhìn thấy chợ trời. Ngay lập tức, tôi bị thu hút vào nó, như thể có ma lực nào đó đang kiểm soát mình. Vào giây phút ấy, tôi cảm thấy như thể ngôi này là nhà", chàng trai nhớ lại.
Wu xuất thân từ một gia đình có thu nhập thấp, nên phần lớn đồ gia dụng trong nhà đều là hàng cũ.
"Tôi có rất nhiều đồ trong nhà, ví dụ như TV và bếp ga, cũng như đồ điện... Tất cả đều là hàng cũ", ảnh giải thích.
Wu thừa hiểu các vấn đề sẽ xảy ra với đồ cũ. TV thường bị hỏng, còn bếp ga phải châm mồi lửa.
Thế nhưng, đó lại là những kỷ niệm rất đỗi ngọt ngào với Wu. Chúng nhắc nhở anh phải sống tiết kiệm và gắn bó hơn với niềm đam mê chợ trời.
Sau nhiều lần ghé qua các khu chợ trời ở Quảng Châu, Wu bắt đầu hứng thú sưu tầm đồ cổ. Ban đầu, anh chứa đồ trong ký túc xá, sau đó chuyển sang một ngôi nhà cũ rộng 20m2. Cuối cùng, không gian lưu trữ của chàng trai này trở thành một garage ô tô rộng tới 300m2.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Wu không sưu tầm nữa mà chuyển sang bán đồ cũ để kiếm sống. Anh hiểu rằng mình có thể tận hưởng niềm đam mê đồ cổ mà không nhất thiết phải giữ chúng cả đời.
"Ban đầu, tôi cũng khá lưỡng lự. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng 'còn nhìn là còn giữ'. Vì thế, tôi đã cảm thấy thoải mái hơn với công việc này", Wu nói.
Giờ đây, sở thích nhặt phế liệu tìm đồ cũ của Wu đã phát triển thành công việc kinh doanh khả quan. Mỗi tháng, anh có thể bỏ túi 10.000-50.000 NDT/tháng (36-180 triệu VNĐ).
"Kho đồ cũ Yongxu" do anh quản lý nằm ở khu phố buôn bán sầm uất tại Quảng Châu. Để lọc bớt những vị khách không hứng thú với đồ cổ nhưng đến vì tò mò, Wu thu phí 9 NDT cho mỗi lần vào cửa.
Kho đồ cũ của Wu Kaisi 7 năm trước và hiện tại
7 năm không cần mua đồ mới nhờ lục lọi thùng rác
Suốt 7 năm qua, công việc này đã giúp Wu gặp gỡ nhiều người mới và lắng nghe những câu chuyện thú vị từ họ.
Có lần, Wu mua được chiếc túi chứa đầy những lá thư viết cho một người phụ nữ tên là Zhu Min. Những lá thư này tuy đã ố phần nào theo thời gian nhưng vẫn khiến anh cảm thấy như đang sống lại một phần quá khứ của người lạ.
"Nhờ đọc lá thư, tôi xác định được người này là một cử nhân tốt nghiệp ĐH Tôn Trung Sơn vào năm 1986. Sau đó cô ấy làm việc tại Khách sạn Thiên nga trắng", anh kể.
Wu đã đăng ảnh chụp những thứ lên trên mạng xã hội và tình cờ tìm thấy Zhumin. Bà ngay lập tức gọi điện cho anh và xin mua lại. Tuy nhiên, khi biết đây là những lá thư được viết bởi cha và bạn thân của người phụ nữ đó, anh quyết định mời bà tới cửa hàng để trả lại đồ cũ mà không lấy tiền.
"Những kỷ niệm này là vô giá và không thể đong đếm bằng tiền", Wu nói. "Sẽ thật tuyệt vời nếu tôi có thể trả lại những món đồ cũ cho chủ nhân đích thực của chúng".
Nhiều khách hàng tìm đến Wu qua sự giới thiệu của bạn bè, hoặc nhờ thông tin trên mạng xã hội. Có người thậm chí còn mời anh đến nhà để dọn đồ của người thân vừa mới qua đời. Trong văn hóa phương Đông, những món đồ này được xem là điềm gở.
"Tôi nghĩ rằng cái chết là điều tự nhiên nhất trên thế giới, và tôi không ngại lấy chúng", cử nhân 27 tuổi cho biết. "Trong bộ sưu tập của tôi còn có cả bia mộ và bình đựng tro cốt".
Wu sưu tầm dựa trên tính thẩm mỹ, chất liệu, thiết kế và lịch sử của các món đồ. Sau nhiều năm luyện tập, anh có thể phân biệt được đâu là đồ cổ đáng giá chỉ trong vòng 3 giây. Ngoài ra, anh cũng lựa chọn những đồ vật "có thể chạm tới tâm hồn mình".
Bên cạnh đó, chàng cử nhân này còn lục lọi thùng rác để mang về những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như áo phông, tất, giày, dầu gội và xà phòng. Wu cho biết, anh đã ngừng mua đồ mới kể từ năm ba đại học.
"Có hàng trăm nghìn món đồ cũ đã qua tay tôi trong suốt 7 năm qua. Thứ mà tôi trân trọng nhất luôn là thứ tiếp theo tôi được cầm, bởi nó khơi dậy khao khát được khám phá trong tôi", anh nói.
Ước mơ của Wu là ghé thăm chợ trời trên toàn thế giới và học hỏi văn hóa đồ cũ ở những nơi đó rồi mang về Trung Quốc áp dụng.
"Tôi tin rằng thị trường đồ cũ Trung Quốc mới đang chớm nở, chậm hơn so với phương Tây khoảng 40-50 năm", anh nói.
Dù không nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ khi theo đuổi nghề nhặt phế liệu, chàng doanh nhân trẻ tuổi vẫn tự tin rằng con đường mình chọn là đúng đắn.
"Đồ cũ có thể ghi lại sự thay đổi của cả một thành phố và trở thành chứng nhân của lịch sử", anh nói. "Tôi thấy việc mình làm rất ý nghĩa bởi tôi có thể đem đồ vật đến với những người cần chúng".
(Theo SCMP)