Tại thư viện Hàng Châu, Trung Quốc, bức tượng về một người đàn ông được dựng lên ngay trước cửa. Phía dưới bức tượng có dòng chữ: "Ông ra đi nhưng tinh thần của ông vẫn mãi ở lại".
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là nhân vật được tác tượng không phải là nhà khoa học nổi tiếng hay một chính trị gia kiệt xuất, bức tượng này chính là chân dung ông lão nhặt rác.
Bức tượng của Vi Tư Hạo
Ông lão này tên là Vi Tư Hạo sinh năm 1938 tại Đông Dương, Chiết Giang, Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ông ý thức được tầm quan trọng của tri thức từ rất sớm. Từ khi còn nhỏ ông đã có niềm yêu thích đặc biệt với sách vở. Cậu bé Tư Hạo hồi đó dành phần lớn thời gian để tìm hiểu kiến thức văn hóa.
Sự chăm chỉ của Tư Hạo được đền đáp xứng đáng, năm 19 tuổi, ông đỗ khoa tiếng Trung của Đại học Hàng Châu.
Năm 1957, ông tốt nghiệp đại học và trở về quê hương giảng dạy tại một trường cấp 2. Ngoài giảng dạy, ông còn tham gia biên soạn từ điển tiếng Trung do trường Đại học Hàng Châu làm chủ biên.
Trong suốt quá trình giảng dạy, ông đã nhiều lần chứng kiến học sinh của mình dù học rất giỏi nhưng buộc phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này đã khiến ông vô cùng bứt rứt suốt nhiều năm. Song hoàn cảnh lúc đó với mức lương hiện có ông chỉ đủ để trang trải cuộc sống của gia đình mình. Thầy giáo tốt bụng này chỉ có thể quyên góp quần áo và trích một phần tiền ít ỏi để hỗ trợ các học sinh nghèo.
Năm 1999, trước khi nghỉ hưu, ông đã gặp hiệu trưởng tại ngôi trường mình đang theo dạy để đề nghị thành lập một quỹ học bổng giúp đỡ học sinh có thành tích tốt nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên vị hiệu trưởng không tin ông có tiền giúp đỡ bọn trẻ nên đã từ chối.
Người nhặt rác yêu sách
Sau khi nghỉ hưu, Vi Tư Hạo nhận được mức lương 5.600 NDT/tháng (khoảng 20 triệu đồng). Với số tiền này, người bình thường có thể sống thoải mái nhưng ông lại chọn một cuộc sống hoàn toàn khác. Ông giấu các con của mình và đi nhặt rác.
Đối mặt với những lời bàn tán từ những người xung quanh, Tư Hạo dường như phớt lờ. Họ xì xào, chê trách con cái bất hiếu nên bố mới phải làm việc cực nhọc khi đã cao tuổi. 3 người con của ông đã đề nghị đón ông về sống cùng để tiện chăm sóc song ông kiên quyết từ chối và tiếp tục sống một mình trong căn nhà cũ. Nhiều lần các con đề nghị sửa nhà nhưng Vi Tư Hạo không đồng ý và yêu cầu đừng lãng phí vì căn nhà vẫn đủ tốt.
Năm 2014, một phòng viên bắt gặp Vi Tư Hạo đang đọc sách tại thư viện Hàng Châu. Người này miêu tả ông khoác sau lưng một chiếc túi với những đồ đạc lỉnh kỉnh và bước đến cửa thư viện Hàng Châu. Sau khi đã cất đồ đạc gọn gàng, ông mới bước vào trong.
Tuy nhiên, ông không tìm sách ngay mà đi đến bồn nước, rửa tay thật cẩn thận. Sự tôn trọng của ông với sách càng thu hút phóng viên này.
Vi Tư Hạo nhanh chóng được nhiều người biết đến qua bài báo của phóng viên. Ông nổi tiếng khắp Trung Quốc với danh xưng "người nhặt rác yêu sách". Nhiều bậc cha mẹ còn lấy hình ảnh của ông đọc sách trong thư viện để truyền cảm hứng cho con.
Nhiều báo đài sau đó đã tìm đến ông xin phỏng vấn. Trong một bài báo, Vi Tư Hạo đã chia sẻ về thói quen đọc sách của mình. Ông nói: "Khi về già não sẽ teo đi, tôi phải thường xuyên nạp năng lượng, rèn luyện trí não bằng cách đọc sách. Đây cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi''.
Chiếc hộp sắt
Ngày 13/12/2015, trên đường đi nhặt rác, ông bị một chiếc xe ô tô đâm phải. Sau gần một tháng nằm viện, người đàn ông này qua đời vì vết thương quá nặng.
Sau khi lo xong tang lễ, các con ông về nhà thu dọn đồ đạc và phát hiện ra một chiếc hộp sắt, trong đó chứa rất nhiều giấy tờ biên nhận và thư từ. Lúc này họ mới hiểu 21 năm qua, ông Vi đã dùng toàn bộ lương hưu và thu nhập từ việc nhặt rác để trợ cấp, đỡ đầu cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học.
Thư từ, biên nhận trong chiếc hộp bí mật ông lão cất giữ nhiều năm
Theo giấy biên nhận, Vi Tư Hạo đã gửi tiền trợ cấp cho các học sinh nghèo từ năm 1994 với cái tên Nguỵ Đình Triệu. Trong suốt thời gian đó, ông cũng giữ liên lạc với những đứa trẻ mình trợ cấp. Khi bọn trẻ gửi thư tâm sự, ông cũng kiên nhẫn hồi đáp.
Trong chiếc hộp sắt còn có một biên bản hiến xác cho y học của ông. Vi Tư Hạo mong muốn sau khi qua đời sẽ hiến tặng toàn bộ cơ thể cho những người cần.
Khi biết về câu chuyện, 3 người con của ông đã quyết định kêu gọi bạn bè quyên góp để thực hiện tiếp những việc ông đang dang dở. Mọi người đề nghị tạc tượng ông. Họ đã tự đứng ra huy động nguồn kinh phí. Bức tượng của ông lão tốt bụng, nhân từ sau đó được đặt tại thư viện Hàng Châu cho tới ngày nay.
Theo Sohu, 163