PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trả lời báo chí tại lễ khởi động hướng tới hội nghị cấp cao Stockholm+50 - Ảnh: Q.THẾ
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết như vậy tại lễ khởi động chương trình tham vấn Stockholm+50 tại Việt Nam diễn ra ngày 13-4, tại Hà Nội.
Lễ khởi động này do tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức. Chương trình tham vấn nhằm xây dựng báo cáo quốc gia và hướng tới hội nghị cấp cao Stockholm+50 sẽ được tổ chức vào ngày 2-3 tháng 6 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm kể từ hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường được tổ chức tại Stockholm.
Ông Thọ cho biết thêm: "Ngoài trách nhiệm của mọi công dân, trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu phải lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong chương trình đào tạo từ mầm non đến đại học.
Nâng cao nhận thức ở tất các lứa tuổi là nội dung quan trọng để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai. Ví dụ như: không dùng ống hút nhựa, giảm sử dụng túi nilông, không vứt rác ra đường…. Những hành động nhỏ của các bạn trẻ sẽ làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng cũng như nhà cung cấp buộc họ phải hướng đến những sản phẩm ít gây hại cho môi trường".
Toàn cảnh lễ khởi động - Ảnh: Q.THẾ
Theo ban tổ chức, UNEP đã lựa chọn Thụy Điển là quốc gia đăng cai tổ chức Ngày môi trường thế giới 2022. Ngày môi trường thế giới năm nay sẽ được tổ chức với chủ đề Chỉ một trái đất, mục đích truyền tải thông điệp với ý nghĩa kêu gọi xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh, sạch hơn.
Bà Inger Andersen, giám đốc điều hành UNEP cho biết: "Năm 2022, chúng ta hy vọng sẽ thấy một thế giới chuyển biến tích cực sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Nhưng chúng ta cũng nhận thức được rằng, chúng ta tiếp tục đối mặt với ba cuộc khủng hoảng cấp toàn cầu đó là biến đổi khí hậu, mất mát thiên nhiên và ô nhiễm".
"Chủ đề Ngày môi trường thế giới đặt thiên nhiên và con người vào trung tâm của công tác môi trường, nhắc nhở chúng ta về gốc rễ, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Tạo động lực cần thiết cho các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng hành tinh trở lại tốt hơn, xanh hơn", bà Inger Andersen nói.