Hãng tin Bloomberg ngày 12-4 dẫn lời Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona cho biết như trên.
Theo ông Kohona, Trung Quốc "đưa ra cam kết về tài chính đối với Sri Lanka hồi tuần trước", đồng thời tiến hành sắp xếp các khoản vay và hạn mức tín dụng.
Ngoài ra, Sri Lanka đang yêu cầu mượn Trung Quốc số tiền 1 tỉ USD để trả các khoản vay tới hạn vào tháng 7 năm nay cũng như đề nghị hạn mức tín dụng 1,5 tỉ USD để mua hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới, bao gồm hàng dệt may phục vụ xuất khẩu.
Ông Kohona chỉ nói sự hỗ trợ về tài chính của Bắc Kinh sẽ đến trong vài tuần nữa mà không tiết lộ Colombo phải đáp ứng những điều kiện nào.
Biểu tình ở thủ đô Colombo ngày 11-4. Ảnh: EPA
Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa thời điểm giá tiêu dùng tăng nhanh nhất ở châu Á - khoảng 19% - hồi tháng trước. Giá tiêu dùng tăng vọt, mất điện trên diện rộng và tình trạng thiếu hụt thực phẩm, chăm sóc y tế dẫn tới làn sóng biểu tình khắp cả nước.
Gần đây, ông Kohona cho biết Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỗ trợ tín dụng. Các quan chức Colombo cũng thúc giục Bắc Kinh giải quyết vấn đề tài chính càng sớm càng tốt.
Vào cuối tuần này, các quan chức Sri Lanka dự kiến gặp gỡ các đối tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thảo luận về gói hỗ trợ tài chính giúp thanh toán khoản nợ trị giá 8,6 tỉ USD trong năm nay.
Ngày 12-4, Sri Lanka tuyên bố họ không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD. Bộ Tài chính Sri Lanka kêu gọi các chủ nợ, bao gồm cả chính phủ nước ngoài, lùi thời hạn trả lãi hoặc chọn cách nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.
"Chính phủ đang thực hiện biện pháp khẩn cấp như phương án cuối cùng để ngăn chặn tình hình tài chính của Sri Lanka suy giảm thêm. Tuyên bố vỡ nợ cũng nhằm đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng đối với các chủ nợ cho đến khi Sri Lanka được IMF hỗ trợ" - Bộ Tài chính Sri Lanka cho hay.