Ngày hôm qua, quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương là Sri Lanka chính thức tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài.
Trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành từ nhiều năm trước, chủ yếu do khả năng quản lý kinh tế yếu kém. Nước này đã vay rất nhiều từ các chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước, song lại không cố gắng tự chủ bằng một nền kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu. Theo The Guardian, Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong số 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, tính đến tháng 4/2021. Con số này được cho là có thể cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của các công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương.
Tháng trước, lạm phát tại Sri Lanka chạm 18,3% - gấp đôi tốc độ tại Mỹ. Giá mọi sản phẩm thiết yếu đều tăng vọt.
Anurudda Paranagama - một tài xế ở thủ đô Colombo tâm sự rằng để trả chi phí ăn uống tăng cao và trang trải khoản vay mua ôtô, anh này đã phải nhận thêm công việc thứ 2 nhưng vẫn không đủ. "Tôi rất khó khăn để trả nợ. Chỉ trả tiền điện nước và tiền ăn uống thôi thì tôi đã sạch túi". Được biết, giờ gia đình anh ăn hai bữa một ngày thay vì ba.
Người tài xế chia sẻ thêm rằng, một người bán tạp hóa trong làng của anh mở những gói sữa bột 1 kg và chia nó thành những gói 100g vì khách hàng không đủ tiền mua cả gói. Paranagama cho biết: "Bây giờ chúng tôi mua 100g đậu thay vì mua 1 kg cho một tuần như trước đây".
Tờ ABC News trích lời ông I Karunasinghe - một người bán vé số tại Sri Lanka cho biết: "Trong giờ làm, mỗi lần đi vệ sinh sẽ tốn 20 rupee Sri Landa (khoảng 1,4 nghìn VNĐ). Nếu một ngày đi vệ sinh 5 lần, chi phí cho nhu cầu thiết yếu này là quá đắt. Tôi không hài lòng với thu nhập của mình chút nào. Lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của tôi vượt quá mức cho phép’’.
Hồi tháng 3, thậm chí Sri Lanka cho biết các bài thi học kỳ của hàng triệu học sinh bị hoãn vô thời hạn vì thiếu nguồn giấy in nhập khẩu.
"Các trường học không thể tổ chức các bài thi vì không đảm bảo nguồn ngoại hối để nhập khẩu giấy và mực in cần thiết", Sở Giáo dục tỉnh Miền Tây của Sri Lanka cho biết hôm nay. Các nguồn tin chính thức cho biết khoảng 2/3 trong số 4,5 triệu học sinh của đất nước sẽ phải hoãn thi học kỳ.
Trên CNN, một phụ nữ tại Colombo cho biết chờ mua gas để nấu cơm cho cả nhà. Nhiều người khác than thở giá bánh mỳ đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, các tài xế taxi cho biết việc hạn chế xăng bán ra khiến họ khó kiếm sống.
Một số rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi vừa phải làm việc nuôi gia đình, nhưng cũng phải xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm. Kể cả những người thuộc tầng lớp trung lưu, có tiền tiết kiệm cũng nổi giận vì lo hết thuốc hay gas. Thủ đô Colombo thì thường xuyên bị cắt điện, có nơi tới 10 giờ mỗi ngày.
Hiện Sri Lanka vẫn đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ IMF và các nước lớn khác. Trong một bài phát biểu tháng trước, Tổng thống Rajapaksa cho biết ông đã cân nhắc lợi hại khi làm việc với IMF và đã quyết định theo đuỗi gói cứu trợ của tổ chức này. Đây là điều chính phủ của ông trước đó lưỡng lự. Bộ Tài chính Sri Lanka hôm nay giải thích tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước khi IMF hỗ trợ cho nước này.
Sri Lanka cũng tìm sự trợ giúp từ Trung Quốc và Ấn Độ. New Delhi đã đồng ý cấp gói tín dụng 1 tỷ USD tháng trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự hỗ trợ này sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng càng kéo dài chứ không thể được giải quyết.
"Để thoát khỏi khủng hoảng, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng thành lập một chính phủ hiệu quả. Đạt thỏa thuận với IMF sẽ là bước kế toán", các nhà kinh tế học Ankur Shukla và Abhishek Gupta nhận định.
Nguồn: CNN, The Guardian