Công nghệ

Công nghệ VAR lần thứ ba từ chối bàn thắng của Lukaku

Phút 64 trong trận Bỉ - Romania ở vòng hai bảng E, Kevin De Bruyne nhận bóng ở trung lộ rồi chuyền cho Lukaku để cầu thủ này sút trúng đích từ góc dưới bên trái.

Trong khi đội Bỉ ăn mừng, VAR đã can thiệp và kết luận tình huống việt vị. Vai và đầu gối của Lukaku vượt lên trên cầu thủ cuối cùng của hàng phòng ngự Romania và bàn thắng bị hủy.

Công nghệ VAR lần thứ ba từ chối bàn thắng của Lukaku

Trong trận đấu đầu tiên với Slovakia, Lukaku ghi bàn ở phút 55 nhưng công nghệ bắt việt vị bán tự động VAR xác nhận Lukaku đã đứng dưới hàng thủ Slovakia. Sau đó, công nghệ Snickometer, lần đầu xuất hiện tại Euro 2024, tiếp tục xác định cầu thủ Lois Openda phạm lỗi tay chạm bóng trước khi chuyền vào cho Lukaku.

Trên mạng xã hội X và YouTube, nhiều người đang phản ứng vì "công nghệ mới hoạt động quá chính xác".

Ví dụ trong tình huống ở trận Bỉ - Romania, tay áo và đầu gối của Lukaku việt vị rất ít, "ở mức milimet", điều chỉ có thể xác định được bằng công nghệ trong khi trọng tài không thể quan sát bằng mắt thường.

"Nếu công nghệ cứng nhắc tới mức này, tôi nghĩ nên thay đổi luật việt vị", một cổ động viên bình luận về X.

"Thật nực cười, đây là bóng đá chứ không phải trò chơi điện tử", một người khác nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ rằng công nghệ đang mang tới sự công bằng và "hồi hộp kiểu mới" trong bóng đá.

Tại Euro 2024, VAR được áp dụng trong tất cả trận đấu diễn ra. So với World Cup 2022 ở Qatar, VAR được nâng cấp mạnh mẽ với khả năng phân tích chính xác hơn nhờ trí tuệ nhân tạo. "Khả năng quan sát một trận bóng của AI đang trở nên tiên tiến hơn trước. Nó giờ đây cho ta cảm giác như một sinh vật có tri giác đang làm việc cùng với con người", John Eric Goff, nhà nghiên cứu vật lý thể thao tại Đại học Lynchburg, Virginia (Mỹ), nói vớiNature.

Theo ông, AI trên VAR áp dụng tại Euro 2024 là sự kết hợp giữa các thuật toán và máy móc có khả năng xử lý nhanh chóng lượng lớn dữ liệu mà trọng tài thông thường không thể nhận biết. Dữ liệu này được truy xuất dựa trên 10 camera được đặt khắp nơi dưới mái che sân vận động, có thể quan sát 29 vị trí trên cơ thể mỗi cầu thủ.

Như vậy, với 22 cầu thủ trên sân, có hơn 600 điểm chuyển động. Cứ 50 lần mỗi giây, những dữ liệu này sẽ được đưa vào máy tính. "Về cơ bản, tất cả camera này có thể cho bạn biết trong thời gian thực vị trí của cầu thủ trên sân, vị trí của quả bóng và tốc độ của bóng, cầu thủ và các bộ phận cơ thể của họ đang chuyển động", Goff giải thích.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm