Tại nhà hàng House of Seafood (Ngôi nhà Hản sản) của Singapore, bồi bàn đem lên món cà ri đầu cá ăn kèm với dế giòn, món đậu phụ với những con bọ có vẻ đang bò ra ngoài. Dù vậy, thực khách vẫn tỏ ra rất thích thú.
Nhà hàng bên bờ biển này là nhà hàng đầu tiên đưa côn trùng vào thực đơn sau khi cơ quan quản lý thực phẩm của thành phố này chấp thuận cho các cơ sở thực phẩm tiêu thụ 16 loài từ dế đến châu chấu, ấu trùng và sâu bột sau hai năm cân nhắc nghiêm túc.
Dế và các loại côn trùng khác từ lâu đã được người dân thưởng thức như một loại thức ăn đường phố ở Đông Nam Á, nhưng không phải ở trung tâm tài chính giàu có này. Singapore áp đặt các quy định nghiêm ngặt với nhập khẩu thực phẩm vì mục đích an toàn và vệ sinh.
Francis Ng, giám đốc điều hành của House of Seafood, cho biết các khách hàng thích thú khi các món ăn có côn trùng, chẳng hạn như đĩa đậu phụ mà ông bày biện trông như thể có bọ bò ra khỏi đĩa và một đĩa cơm nếp viên có nhiều con nhộng tằm.
"Các món ăn trông đáng sợ để khách hàng có thể quay đăng lên Tiktok của họ", Ng nói và cho biết điện thoại của ông liên tục đổ chuông vì khách hàng háo hức muốn đặt chỗ nếm thử.
Nhà hàng đã chuẩn bị một thực đơn gồm 30 món ăn có côn trùng, mà họ có thể bán cho công chúng sau khi các đơn vị nhập khẩu của họ được cơ quan thực phẩm chấp thuận. Hiện tại, Ng đang cho thực khách ăn thử miễn phí một số món ăn.
Năm 2019, Singapore tuyên bố sẽ đặt mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng trong nước vào năm 2030 thay vì mô hình hiện tại với 90% thực phẩm nhập khẩu. Chuyên gia an ninh lương thực Paul Teng cho biết côn trùng chắc chắn có thể giúp tiến tới mục tiêu này - nếu mọi người vượt qua được "cảm giác ghê tởm".
"Hầu hết côn trùng đều là protein", Teng, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết, đồng thời nói thêm rằng cần phải có đơn vị sản xuất tại địa phương để nguồn protein thay thế này có giá cả phải chăng.
"Việc làm mọi người chấp nhận côn trùng trong chế độ ăn uống của họ là một thách thức. Nhưng thực sự, đó là một mặt hàng thực phẩm bình thường. Chúng ta hãy làm gì đó để người tiêu dùng chuẩn bị tinh thần", ông nói. "Về cá nhân tôi, tôi không có vấn đề gì khi ăn côn trùng".
Liên Hợp Quốc đã coi côn trùng là nguồn protein bền vững để nuôi sống dân số toàn cầu ước tính sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu do thời tiết khắc nghiệt và xung đột cũng đã làm tăng mức quan tâm đến nguồn dinh dưỡng giá rẻ nhưng chất lượng cao mà côn trùng cung cấp.
Tại Singapore, tất cả các loại côn trùng được chấp thuận để con người tiêu thụ phải được nuôi trong môi trường được kiểm soát và không được thu hoạch từ tự nhiên, và không được cho ăn các chất gây ô nhiễm như phân chuồng hoặc thức ăn thối rữa, theo cơ quan thực phẩm.
Đồng thời, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp FAO đã thúc đẩy việc nuôi côn trùng để làm thức ăn cho người và gia súc. Các địa phương đã có những quan tâm nhất định đối với việc nhập khẩu côn trùng, nhưng chi phí vẫn là rào cản. Ông Ng cho biết côn trùng chiếm 10% chi phí của anh tại House of Seafood, và tất cả đều được nhập khẩu.
"Giá chắc chắn cao hơn trứng", anh nói.
Hiện tại, còn quá sớm để nói liệu côn trùng có trở thành một phần của chế độ ăn uống tại Singapore hay nhu cầu sẽ giảm xuống như đối với các sản phẩm thịt giả.
Nhưng hiện tại, một số thực khách cho biết họ rất vui khi được phát triển sở thích về côn trùng.
"Nếu côn trùng có nguồn protein cao hơn, tại sao lại không chứ? Tôi sẽ thêm nó vào bữa ăn hàng ngày và lượng thức ăn hàng ngày của mình", Bregria Sim, một quản lý hậu cần 23 tuổi cho biết, đồng thời nói thêm rằng cô sẽ trả khoảng 40 đô la Singapore (30 đô la Mỹ) cho các món ăn mới lạ.
Tham khảo Reuters