Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm ngày 10/4: VPB, PNJ, DHC

Đánh giá cổ phiếu tâm điểm ngày mai

Cổ phiếu tâm điểm ngày mai (10/4) được các công ty chứng khoán đưa ra là: 

VPB - NIM dự báo cải thiện nhờ biên lợi nhuận tăng trong nửa cuối năm 2023

 (Ảnh: Thu Thảo).

Chứng khoán MB (MBS)

Phân tích:

Báo cáo cập nhật mới đây của MBS nhận định độ dày vốn của VPBank lớn nhất toàn ngành nhờ kế hoạch tăng vốn diễn ra thuận lợi. Nhóm phân tích cho rằng với những nỗ lực đáng ghi nhận của VPB trong việc gia tăng độ dày vốn cấp 1, hệ số an toàn vốn (CAR) của VPB sẽ được nâng lên đáng kể, từ đó tạo lợi thế cho ngân hàng trong việc ưu tiên giành hạn mức tăng trưởng tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đặc biệt, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của NHNN đang ở mức thấp, việc bổ sung nguồn vốn ngoại tệ cho nền kinh tế cũng sẽ là một điểm cộng cho VPB. MBS dự phóng mức CAR của VPB sẽ đạt 15,6% vào cuối năm 2023, cao nhất toàn ngành.

Cũng theo nhóm phân tích của MBS, NIM cải thiện trong năm 2023 nhờ biên lợi nhuận tăng trong nửa cuối năm. Tác động kép từ lãi suất huy động gia tăng cùng với hoạt động cho vay tiêu dùng suy giảm trong năm 2021 và 2022 khiến NIM của VPB bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là mức NIM cao nhất thị trường tính đến cuối năm 2022.

NIM của ngân hàng mẹ có sự tăng trưởng mạnh nhờ các mảng cho vay chủ lực. Cụ thể, NIM 2022 của ngân hàng mẹ đạt 5.5%, tăng 20 bps so với năm 2021 và là mức NIM cao thứ hai toàn ngành, sau MBB.

MWG - Lãi sau thuế năm 2023 dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với doanh thu thuần đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2022 và lãi sau thuế dự kiến tăng 2% lên 4.200 tỷ đồng. Kế hoạch được công ty đưa ra dựa trên đánh giá tình hình hiện tại về sự suy giảm mạnh sức mua của người tiêu dùng.

Trong quý I/2023, sức mua với các mặt hàng điện thoại, điện máy giảm mạnh hơn dự báo khiến tình hình kinh doanh mảng ICT&CE trong những tháng đầu năm của công ty gặp nhiều khó khăn. Ban lãnh đạo kỳ vọng 2 quý cuối năm ngành bán lẻ sẽ có dấu hiệu hồi phục tích cực hơn dự trên 4 yếu tố: lãi suất hạ nhiệt, tình hình các đơn hàng gia công xuất khẩu tăng trở lại, các vấn đề bất động sản dần được tháo gỡ, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công.

DHC - Thách thức vẫn còn ở phía trước

CTCP Chứng khoán SSI

Phân tích:

Trong năm 2023, Chứng khoán SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,7% so với cùng kỳ) và 404 tỷ đồng (tăng 6,7%).

Trong đó, mức tiêu thụ giấy lượn sóng (testliner và medium) trong nước (đầu vào sản xuất bao bì giấy) đạt 225,7 nghìn tấn (tăng 2%), do số lượng đơn hàng của các công ty xuất khẩu (dệt may, da giày, thủy sản...) chưa hồi phục so với nửa đầu năm 2022.

DHC giao dịch ở mức P/E 8,x, thấp hơn P/E trung bình lịch sử là 8,9x trong giai đoạn 2019 - 2021. DHC là công ty quy mô trung bình với công suất chiếm 3% thị phần giấy lượn sóng.

SSI Research cho rằng hiệu suất hoạt động của DHC cao hơn toàn ngành trong năm 2023 nhờ (i) nhà máy Giao Long 1 và Giao Long 2 hoạt động hết công suất; (ii) tỷ trọng giấy testliner có giá trị cao được sử dụng tăng lên so với medium; và (iii) việc quản lý hàng tồn kho hiệu quả khi DHC tăng gấp đôi hàng tồn kho trong quý IV/2022 so với cùng kỳ.

Trong ngắn hạn, doanh thu dự báo giảm tốc do lượng đơn đặt hàng xuất khẩu từ các khách hàng chính như dệt may, da giày, thủy sản… vẫn chưa phục hồi so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý I/2023 có thể được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ trong quý IV/2022.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm