Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: PGB tăng mạnh với tin thoái vốn, SHB thanh khoản đột biến

PGB tăng mạnh trước ngày Petrolimex đấu giá cổ phần

Tuần qua (3/4 - 7/4), xu hướng tăng giá vẫn nhỉnh hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi sắc xanh xuất hiện trên 16 mã, trong khi đó có 11 mã giảm. 

Cụ thể, tuần vừa qua, PGB là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức +14%, kết tuần tại mức 25.000 đồng/cp. Cổ phiếu này đã có cả 5 trên 5 phiên tăng giá với động lực chính tại 3 phiên đầu tuần, trước thềm Petrolimex đấu giá công khai tại HOSE hơn 40% vốn của PG Bank. Với giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cp , Petrolimex ước thu gần 2.600 tỷ đồng.

Ngoài PGB, SHB cũng gây chú ý khi tăng gần 8% sau 5 ngày giao dịch, kết tuần tại mức 11.600 đồng/cp, mức cao nhất kể từ cuối năm ngoái. Một số cổ phiếu khác như ABB, TCB, TPB, VAB xếp sau đó với mức tăng dao động từ 2 - 5,5%.

Ở chiều ngược lại, SGB giảm mạnh nhất tuần qua với mức -4,1%. Trong đó, phiên 6/4, cổ phiếu này đã có lúc rơi về mốc 12.000 đồng/cp, gần chạm mức sàn, xong lại quay đầu tăng nhẹ khi cuối phiên. Ngoài ra, có LPB đứng sau với mức giảm -3,9%; các cổ phiếu ngân hàng khác điều chỉnh nhẹ, giảm dưới 1%.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Về thanh khoản, tuần qua có gần 900 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch giữa các nhà đầu tư, mức cao hơn hẳn so với các tháng trước đó. Giá trị tương đương đạt gần 17.000 tỷ đồng. 

Trong đó, SHB gây chú ý khi có thanh khoản tăng đột biến, với hơn 255 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương gần 2.900 tỷ đồng. Phiên đầu tuần, riêng với phương thức khớp lệnh, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này đã đã trên 60 triệu đơn vị, mức cao nhất trong 1 năm trở lại. Tuần trước, cổ phiếu SHB cũng gây chú ý khi có gần 100 triệu cp được trao tay theo hình thức thỏa thuận, tương ứng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Song, đứng đầu về giá trị giao dịch trong tuần qua vẫn thuộc về STB với mức 3.295 tỷ đồng, với hơn 125 triệu cp được giao dịch. Các cổ phiếu khác như LPB, EIB, MBB, VPB xếp sau với mức từ 60 - 75 triệu đơn vị.

Tuần qua, STB cũng là tâm điểm khi các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 420 tỷ đồng, mức cao nhất toàn thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại còn bán ròng 76 tỷ đồng VCB và 66 tỷ đồng BID. Ở chiều ngược lại, nhóm này mua ròng 85 tỷ đồng HDB, 70 tỷ đồng VPB và 57 tỷ đồng CTG.

Chung động thái, khối tự doanh đã mua ròng 119 tỷ đồng VPB, 17 tỷ đồng TCB; song cũng bán ròng 37 tỷ đồng ACB.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022.

Eximbank cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng vì lý do cá nhân. 

Nhiều ngân hàng công bố tài liệu họp đại hội cổ đông. SHB dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng, trình cổ đông hai phương án kinh doanh, tương ứng với hai hạn mức tăng trưởng tín dụng trong cuộc họp tới đây.

Năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12% so với năm trước trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 50% đạt 9.500 tỷ đồng.

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. 

HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Đồng thời đề xuất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm