TP - “Giới nghệ sĩ do đặc trưng nghề nghiệp, họ thường ít quan tâm đến quy định của Nhà nước, việc này diễn ra khá phổ biến. Câu chuyện vừa rồi xảy ra giữa hai nghệ sĩ (Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng) là một tín hiệu chỉ báo cho thấy nó xảy ra phổ biến và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trò chuyện với phóng viên Tiền Phong quanh vụ việc liên quan đến nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng.
Có những quy định tuyệt đối phải tuân thủ
Những vụ việc lùm xùm trong giới nghệ sĩ là điều không hiếm thấy trong thời gian qua. Nhưng do đặc thù nghề nghiệp, việc quản lý giới nghệ sĩ nói chung đã khó, việc quản lý nghệ sĩ đang là những công chức, viên chức nhà nước có lẽ còn khó hơn?
Quả thực là như vậy. Việc quản lý nghệ sĩ vô cùng khó, vì đặc thù nghề nghiệp, công việc biểu diễn của họ thường có phần khác so với giờ hành chính bình thường. Các cuộc biểu diễn của họ thường tổ chức về đêm, thậm chí đêm muộn họ mới xong công việc của mình.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn
Chính vì đặc thù nghề nghiệp của họ như vậy, nên có phần khác so với giờ giấc hành chính thông thường. Cũng vì thế mà việc quản lý nghệ sĩ phải khác so với quản lý các công chức, viên chức bình thường. Đó là lý do tại sao các cơ quan, đơn vị, kể cả các tổ chức biểu diễn hay các cơ quan quản lý nhà nước khác đều có những ưu ái riêng đối với các nghệ sĩ, để làm sao có thể tận dụng được tài năng, mức độ ảnh hưởng và uy tín của họ.
Tuy nhiên khi họ là công chức, viên chức thì họ đương nhiên chịu sự ràng buộc điều chỉnh của pháp luật về công chức, viên chức. Cho nên, nếu ưu ái giới nghệ sĩ thì chúng ta sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng với các thành phần khác.
Còn việc quản lý nghệ sĩ khi đi công tác, biểu diễn, hay hoạt động nghề nghiệp ở nước ngoài thì sao, thưa ông?
Chúng ta đều biết, tất cả các cơ quan, tổ chức đều có nội quy, quy chế và trên hết tất cả là quy định của pháp luật. Chính vì vậy, kể cả nghệ sĩ là một người đặc biệt đi chăng nữa thì vẫn phải tuân thủ các quy chế, quy định này. Nhiều khi trong mỗi quy chế của một cơ quan có thể du di đến sớm, về muộn hơn đôi chút. Nhưng có những quy định không thể vượt qua được, ví dụ như đi công tác ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì phải báo cáo.
Đó là những vấn đề mà chúng ta đang gặp và đang cần phải giải quyết. Làm sao để nghệ sĩ khi chấp nhận làm việc cho các cơ quan, tổ chức nhà nước, họ phải hiểu và tuân thủ những quy định của nhà nước, trong đó có những quy định tuyệt đối phải tuân thủ.
Trong các tổ chức nghệ thuật của nhà nước, bao giờ họ cũng có những quy định riêng, tất nhiên không trái quy định chung, chẳng hạn không quy định làm việc lúc 8 giờ, có thể làm việc muộn hơn; rồi tạo điều kiện cho một số văn nghệ sĩ làm việc theo giờ giấc khác, trừ bộ phận hành chính. Câu chuyện này xảy ra khá phổ biến ở trong các tổ chức văn hoá nghệ thuật. Nếu áp quy định của các tổ chức bình thường vào sẽ thấy họ vô tổ chức, nhưng trên thực tế không phải như thế, mà các đơn vị thường tạo điều kiện tối đa nhất để giới nghệ sĩ thăng hoa được trong hoạt động nghề nghiệp.
Thế nhưng chúng ta cũng phải xác định, có những quy định cứng mà không thể nào vượt qua được. Giới nghệ sĩ do đặc trưng nghề nghiệp họ thường ít quan tâm đến quy định của nhà nước, việc này diễn ra khá phổ biến. Câu chuyện vừa rồi xảy ra giữa hai nghệ sĩ (Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng) là một tín hiệu chỉ báo cho thấy nó xảy ra phổ biến và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với công việc, với cơ quan, để ngăn chặn không để xảy ra những câu chuyện như thế này.
Sai phạm đến đâu xử lý đến đó
Vừa qua, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội có thông tin với báo chí rằng, dù chưa liên lạc được với Hồng Đăng nhưng theo Luật Viên chức, Hồng Đăng sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất. Ông thấy sao về điều này?
Sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Cho dù nghệ sĩ có là người nổi tiếng đến mấy, hay tầm quan trọng của họ lớn đến mấy với một cơ quan đơn vị, thậm chí họ là vai chính, nghệ sĩ chính trong một nhà hát, trong một ngôi trường... thì sai phạm đến đâu vẫn phải xử lý đến đó. Câu chuyện thượng tôn pháp luật rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, khi vị trí, vai trò cũng như sức ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với xã hội khá lớn, nếu không xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng tiêu cực và gây ra nhiều hệ lụy khác.
Theo ông, sự việc liên quan đến Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng nên được khép lại, hay cần phải công khai, minh bạch thông tin hơn?
Rất cần có những thông tin chính thống. Thực ra Bộ VHTT&DL đã đưa ra một số thông tin. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã thông tin về Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng thế này, thế kia.
Việc công khai toàn bộ thông tin liên quan trong thẩm quyền của cơ quan nhà nước theo quy định pháp luật, kể cả nói rõ chuyện này đã có kết luận cuối cùng hay chưa thì nó cũng có tác dụng, tránh râm ran dư luận ngầm trên mạng xã hội. Thông tin đến đâu công khai đến đó để dập tắt những tin đồn không đáng có là điều cần thiết và nên làm.
Những vụ việc xảy ra của người Việt ở nước ngoài ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Với người bình thường đã vậy, với vi phạm của giới nghệ sĩ, mức độ ảnh hưởng có thể sẽ lớn hơn, thưa ông?
Chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với hình ảnh con người Việt Nam. Nói chung hiện nay thì tình trạng vi phạm của người Việt Nam ở nước ngoài khá lớn. Chính vì thế, từ năm 2018 đến nay, có tới 25 nghìn người Việt Nam bị trục xuất về nước. Điều đó là một minh chứng cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến ứng xử ở nước ngoài.
Với nghệ sĩ nếu vi phạm lại càng đáng lưu tâm, vì họ là người của công chúng, nên họ nhận được sự quan tâm của công chúng, của truyền thông, cho nên mỗi sai phạm (nếu có) của họ khuyếch tán rất nhanh, ảnh hưởng rất lớn.
Đó là lý do chúng ta cần phải thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật. Bộ VHTT&DL đã ban hành bộ quy tắc ứng xử này.
Cảm ơn ông !