TP - Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm các đơn hàng của doanh nghiệp (DN) Việt, chủ một DN Nhật Bản đã vẽ ra các chương trình hỗ trợ hợp tác sau đó ôm hàng tỷ đồng không chịu trả. Các chương trình hỗ trợ của DN Nhật Bản này đưa ra tinh vi đến nỗi có đến hàng chục DN sập bẫy, khiến cả cộng đồng DN xuất khẩu lao động Việt Nam chao đảo, bất an.
Vừa mất tiền, vừa bị dọa
Phản ánh với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Đầu tư và Quan hệ quốc tế GLC Group (gọi tắt Công ty GLC Group) cho biết, ông đang mất ăn mất ngủ vì DN đang chật vật, chưa kịp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại có nguy cơ bị mất hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Bình, là DN mới “chân ướt, chân ráo” bước vào thị trường phái cử lao động, Công ty GLC Group có nhu cầu mua lại một số công ty tại Nhật Bản có giấy phép về cung ứng lao động để tăng cường tìm kiếm các đơn hàng và đối tác ở phía Nhật. Thông qua một số quan hệ, ông Masayuki Motoo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aga Support (số 20 Linh Lang, Ba Đình, TP Hà Nội) giới thiệu mình có khả năng tìm kiếm và kết nối các công ty như vậy. Do tin tưởng, công ty đã ký với Công ty TNHH Aga Support 2 hợp đồng ủy thác về việc tìm kiếm, sáp nhập.
Để thực hiện hợp đồng, ông Masayuki Motoo yêu cầu công ty chuyển vào tài khoản cá nhân nhiều lần tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng. Thậm chí, ông Masayuki Motoo còn yêu cầu Công ty GLC Group thanh toán thêm hoa hồng giới thiệu và sử dụng thêm các gói dịch vụ như tư vấn cách tìm kiếm khách hàng Nhật, thiết kế website… với khoản tiền tiền đặt cọc khoảng 5.000 USD (hơn 120 triệu đồng).
Đối với vụ việc vừa nêu, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết sẽ vào cuộc làm rõ và có cảnh báo tới các DN.
“Sau khi ký hợp đồng hơn 1 năm và thậm chí đến khi hết thời hạn, phía Công ty TNHH Aga Support vẫn không có bất kỳ hoạt động nào. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu ông Masayuki Motoo hoàn trả tiền nhưng vị này đều trốn tránh, không chịu gặp. Cuối năm ngoái, thông qua phiên dịch của ông Masayuki Motoo, chúng tôi được biết khoản tiền mà công ty chuyển cho ông ta đã được dùng vào chi tiêu cá nhân. Giờ ông Masayuki Motoo còn cắt liên lạc và phủi trách nhiệm với công ty”, ông Bình bức xúc.
Dù hoạt động lâu năm trong lĩnh vực phái cử lao động, bà Trần Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và nhân lực số 1 Hà Nội xót xa khi nói rằng công ty cũng là một trong những nạn nhân trước các chiêu trò của vị tổng giám đốc người Nhật nói trên.
Theo bà Vân Anh, cuối năm 2020, ông Masayuki Motoo tìm đến văn phòng công ty của bà và quảng cáo có mối quan hệ sâu rộng với các nghiệp đoàn Nhật Bản, có thể giới thiệu cho công ty hàng trăm đơn hàng tuyển dụng. Vị này còn khoe am hiểu các đối tác Nhật Bản có thể tư vấn cho DN Việt thay đổi thiết kế website và biên soạn sách giới thiệu để thu hút khách hàng hiệu quả.
Ông Masayuki Motoo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aga Support trong một buổi ký kết hợp đồng với DN Việt Nam
“Ông Masayuki Motoo quảng cáo rất hấp dẫn nên chúng tôi cũng tin tưởng, ký hợp đồng với Công ty TNHH Aga Support và đặt cọc số tiền 4.000 USD. Sau đó, công ty chúng tôi tiếp tục chuyển hơn 400 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của ông Masayuki Motoo. Để duy trì hợp đồng, ông Masayuki Motoo còn yêu cầu chúng tôi chuyển 500 USD mỗi tháng với tổng số tiền chuyển thêm gần 100 triệu đồng”, bà Vân Anh nói.
Sau hơn 2 năm ký kết hợp đồng, Công ty CP Đầu tư và nhân lực số 1 Hà Nội không nhận được bất kỳ thông tin gì đến hoạt động triển khai từ phía đối tác Nhật. Thậm chí, khi công ty đề nghị hoàn trả lại tiền, ông Masayuki Motoo còn doạ sẽ bêu rếu uy tín của DN với phía nghiệp đoàn Nhật Bản.
Hàng chục doanh nghiệp sập bẫy
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Công ty TNHH Aga Support hoạt động tại Việt Nam từ tháng 8/2019. Công ty này liên tục về các địa phương và tìm đến các DN, cơ sở đào tạo để quảng cáo tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật trong các ngành nghề như xây dựng, điều dưỡng, chế biến thực phẩm… Công ty này đưa ra thông tin rằng có quan hệ với hàng trăm đối tác phía Nhật, và có mạng lưới dày đặc với DN ở Việt Nam nên khiến không ít đơn vị sập bẫy.
Không chỉ hai công ty trên, hiện phóng viên Tiền Phong còn nhận được phản ánh của hơn 30 DN Việt Nam về việc bị ông Masayuki Motoo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aga Support đang chiếm giữ từ hàng trăm triệu đồng đến nhiều tỷ đồng.
“Chúng tôi rất bức xúc vì đến nay hầu như DN phái cử nào cũng gặp trường hợp ông Masayuki Motoo đến tiếp thị. Nhiều DN tin tưởng là dính ngay, nhưng sau khi nhận tiền, vị này biệt tích. Hiện cộng đồng DN Việt rất bất an và mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”, một tổng giám đốc DN xuất khẩu lao động chia sẻ.
Để làm rõ những mánh khoé của Công ty TNHH Aga Support, trong vai DN có nhu cầu mở rộng hợp tác với các nghiệp đoàn Nhật Bản, phóng viên liên hệ với vị tổng giám đốc người Nhật. Dù giới thiệu là một DN có “tiếng tăm” tại Nhật Bản, có mạng lưới quan hệ với hàng trăm nghiệp đoàn Nhật nhưng văn phòng của Công ty TNHH Aga Support chỉ vỏn vẹn vài chục m2, kết hợp làm nơi ở của vị này. Ngay khi vừa gặp, vị tổng giám đốc người Nhật liên tục quảng cáo về những “chiến tích” của mình trên thị trường phái cử lao động.
Vị này khoe có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng lao động, là “thiên tài” trong lĩnh vực kinh doanh và marketing có thể hiểu được nhu cầu và các vấn đề mà DN Việt Nam đang gặp phải. Ông Masayuki Motoo cam kết nếu hợp tác trong vòng 6 tháng sẽ giúp DN Việt kết nối được 6 nghiệp đoàn Nhật, và đưa được hơn 200 lao động xuất cảnh trong vòng 2 năm.
“Nếu không thực hiện đúng, chúng tôi sẽ bồi thường gấp đôi. Hiện, đã có hơn 200 DN Việt đang là đối tác của chúng tôi. Có đơn vị mới hợp tác được 3-4 tháng nhưng đã được giới thiệu đưa hàng chục lao động sang Nhật làm việc”, vị tổng giám đốc người Nhật vừa nói, vừa chỉ tay lên tấm bảng dán đặc kín các tấm card visit (danh thiếp) của DN Việt Nam được quảng cáo là đối tác của công ty. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cụ thể đối tác nào mà phía Công ty TNHH Aga Support đã kết nối thành công, vị này lập tức lảng tránh mà chuyển sang giới thiệu một đối tác đang làm mối ở Indonesia.