Theo báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 2 mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), sau tháng 1 với sự kiện Tết âm lịch, các số liệu vĩ mô đã có sự tăng trưởng tốt tại nhiều khía cạnh.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại sau ba tháng và sản lượng sản xuất cải thiện, các chỉ số dự báo kinh tế như PMI, IIP cũng cho thấy sự phục hồi. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 2023 dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức từ cả yếu tố trong và ngoài nước khi sức mua trong nước yếu, thắt chặt chi tiêu toàn cầu.
Theo đó, hai động lực tăng trưởng kinh tế chính xuất khẩu và tiêu dùng trong nước khả năng vẫn khó khăn trong các tháng tới.
Áp lực lạm phát đã hạ nhiệt và duy trì ổn định khi sức cầu đang yếu và cả năm 2023 dự báo đạt 4,5% theo mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến yếu tố giá cả các hàng hóa cơ bản (điện, y tế) dự báo tăng sẽ tác động đến lạm phát. Ngoài ra, trong trường hợp các dự án đầu tư công không đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng có thể tạo áp lực lên lạm phát.
Cho năm 2023, các nhà phân tích kỳ vọng yếu tố đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác (xuất khẩu, tiêu dùng) đang có những khó khăn nhất định.
Bàn về những cơ hội cho thị trường chứng khoán, nhóm phân tích của Agriseco cho rằng các nút thắt từ dòng tiền nhóm bất động sản kỳ vọng dần được tháo gỡ nhờ gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng, Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tạo động lực để thị trường chứng khoán đi lên.
Dòng vốn FDI mới tiếp tục tăng phản ánh Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ duy trì đà tăng trưởng ổn định và lạm phát kiểm soát. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn trước biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tái mở cửa từ đầu tháng 1/2023 sẽ có nhiều tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, cảng biển, logistics tuy nhiên quá trình trên sẽ diễn ra từ từ khi người dân Trung Quốc đang dần thích nghi hậu COVID-19.
Trong các tháng tiếp theo, dòng tiền có thể tìm tới các ngành, doanh nghiệp kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và các nhóm có câu chuyện riêng đầu tư công, ngân hàng, khu công nghiệp, nhiệt điện và tạo cơ hội tăng giá đối với các cổ phiếu nhóm ngành trên.
Mặt khác, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng, … Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.
Đâu là những rủi ro cần lưu ý?
Bên cạnh những cơ hộ, Agriseco Research cũng lưu ý một số rủi ro cho thị trường.
Điển hình như mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao có thể khiến dòng tiền từ thị trường chứng khoán tiếp tục rút ra để chuyển đổi sang kênh tiền gửi (đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân); đồng thời tạo áp lực lên chi phí tài chính các doanh nghiệp. Áp lực chi phí sẽ ngày càng đè nặng khi mức lãi suất duy trì cao trong cả năm.
Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất đã đạt đỉnh và đang có dấu hiệu giảm mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận kết quả chậm lại do ảnh hưởng do việc sụt giảm sức cầu từ các thị trường đối tác chính. Đối với các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc tăng trưởng xuất khẩu hai năm qua có thể gặp trở ngại trong việc duy trì đà tăng trưởng. Đối với những cổ phiếu có tính chu kỳ, yếu tố định giá nên được đặt lên hàng đầu khi xem xét đầu tư.
Các yếu tố rủi ro trong và ngoài nước vẫn đang tiếp diễn như xung đột Nga – Ukraine, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao, lạm phát và suy thoái toàn cầu, rủi ro hệ thống về thị trường trái phiếu. Các nhóm cổ phiếu có beta, tính đầu cơ cao hoặc nhóm cổ phiếu bất động sản có quy mô vay nợ lớn có thể gặp áp lực giảm điểm mạnh khi có các thông tin vĩ mô không thuận lợi được công bố.