Tài chính

Chân dung tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Ông Lý Cường, hiện 63 tuổi, giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải kể từ năm 2017, đồng thời có vị trí trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.

Theo báo Independent, ông Lý Cường là thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc không được thăng chức từ phó thủ tướng, kể từ năm 1976.

Từ năm 2004-2007, ông Lý Cường làm thư ký cho ông Tập Cận Bình - khi ấy nắm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang. Chiết Giang được biết đến là trung tâm sản xuất theo hướng xuất khẩu và doanh nghiệp tư nhân.

Chân dung tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - Ảnh 1.

Ông Lý Cường, tân thủ tướng Trung Quốc. Ảnh: Independent

Năm 2013, ông Lý Cường được cất nhắc làm tỉnh trưởng Chiết Giang, thời điểm ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc. Vị trí này giúp ông Lý Cường chuẩn bị cho những vai trò và trọng trách lớn hơn.

Năm 2015, ông Lý Cường tháp tùng ông Tập Cận Bình tới Mỹ để gặp Tổng thống Barack Obama.

Tại Thượng Hải, uy tín của ông Lý Cường từng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa COVID-19 kéo dài 2 tháng hồi đầu năm nay, gây tác động không nhỏ đến kinh tế. Quan chức này chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách "không COVID-19".

Ông Lý Cường cũng được biết đến với vai trò thúc đẩy hội nhập kinh tế của khu vực đồng bằng sông Dương Tử và giám sát quá trình mở rộng khu vực thương mại tự do của Thượng Hải.

Có rất ít thông tin về ông Lý Cường cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề cử ông làm ứng viên thủ tướng Trung Quốc ngày 11-3. Ông Lý Cường cũng được cho là chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị và chưa từng kinh qua vị trí phó thủ tướng.

Trở thành tân thủ tướng của Trung Quốc, ông Lý Cường sẽ đối mặt với nhiều thách thức về mặt kinh tế sau khi Trung Quốc trải qua 3 năm áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng và khu vực tư nhân bị suy giảm, đồng thời cơn gió toàn cầu hóa đặt ra những khó khăn không nhỏ.

Ông Lý Cường nhậm chức thủ tướng giữa thời điểm Trung Quốc và phương Tây leo thang căng thẳng, bao gồm việc Mỹ ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chính. Ngoài ra, nhiều công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, một phần do chính sách "không COVID-19".

Thống kê cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái. Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội năm nay, Bắc Kinh chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% trong năm nay, mục tiêu thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm