Tài chính

Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng: Quyền lợi cổ đông giải quyết ra sao?

Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng: Quyền lợi cổ đông giải quyết ra sao? - Ảnh 1.

Ngân hàng Xây dựng (CBBank) - một trong 4 tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc

Ngày 4-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. 

Cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ được chuyển giao bắt buộc gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank vốn đã bị mua với giá 0 đồng từ nhiều năm trước. Riêng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) thuộc diện kiểm soát đặc biệt nhưng do vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm nên theo quy định, NHNN phải chuyển giao bắt buộc DongABank cho ngân hàng khác.

Theo ông Tú, với 3 ngân hàng bị mua 0 đồng, quyền lợi của các cổ đông các ngân hàng này xem như đã chấm dứt. Còn quyền lợi của cổ đông DongABank sẽ chấm dứt nếu vốn chủ sở hữu của ngân hàng này bị âm tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.

"NHNN đang đốc thúc các bên liên quan tiến hành định giá các NH thương mại nói trên để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc" - ông Tú nói

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ông Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức yếu kém.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định

Đại hội đồng cổ đông HDBank cũng đã thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án nhận chuyển giao bắt buộc chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại có hội sở chính tại TP HCM.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm