Tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID - 19", TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, vừa qua gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được Bộ Xây dựng đề xuất và sẽ có chỉ số giá cho 10 tháng của 2021. Đến thời điểm này, giá xăng đã lên tới mức kỷ lục trong 7 năm qua. Dự báo giá năng lượng cũng tiếp tục dự báo tăng vài lần trên thế giới. Sự tăng liên tục của giá thép và xi măng và việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá chuỗi lưu thông hàng hoá, vận tải biển, mất cân đối nguồn cung cầu… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường BĐS thời gian tới và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Do đó dự báo sự phục hồi thị trường BĐS sẽ không có chuyện giống như lò xo bị nén do tất cả yếu tố về kinh tế và thị trường BĐS bị ảnh hưởng sau 1 thời gian dài "đóng băng". Việc doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu với tỷ trọng lớn kéo theo rủi ro về trái phiếu là việc cần hết sức cảnh giác thời gian tới. Chúng ta cần lường trước những vấn đề trên để giúp cho thị trường BĐS an toàn lành mạnh, tránh dẫm vào vết xe đổ thời gian vừa qua.
Theo TS Ánh, thực trạng hiện tại của thị trường BĐS liên quan đến 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất là thị trường BĐS trước khi diễn ra đợt dịch COVID -19 thứ 4 chứng kiến bức tranh không hoàn toàn lạc quan khi các dự án nhà ở, chung cư bị hạn chế nguồn cung do loạt dự án mới gần như "đứng lại" và không triển khai được. Mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến công tác quản lý BĐS và đất đai; nhất là ở thị trường phía Nam.
Sự tăng liên tục của giá thép và xi măng và việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá chuỗi lưu thông hàng hoá, vận tải biển, mất cân đối nguồn cung cầu… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường BĐS thời gian tới.
Vấn đề thứ hai là trong quý 1/2021 thị trường chứng kiến hiện tượng “sốt đất”, “sốt BĐS” cục bộ ở nhiều địa phương. Đối với “sốt BĐS”, báo cáo của Bộ Xây dựng về biến động giá trong 6 tháng đầu năm đã chỉ ra hiện tượng này không chỉ xảy ra ở phân khúc nhà ở mà còn ở cả các phân khúc khác như BĐS khu công nghiệp. Bởi suốt 3 đợt dịch COVID -19, nhờ xuất hiện xu hướng cho rằng Việt Nam là điểm hút nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt là nhờ chính sách phát triển các khu công nghiệp cùng với thông tin quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng mà BĐS phân khúc này vẫn thành công, tạo ra sức nóng và tạo ra “cơn sốt”.
Tuy nhiên đến khoảng cuối tháng 4/2021, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Việt Nam siết chặt các vấn đề về di chuyển, tiếp xúc và hàng loạt các biện pháp khác đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và thị trường BĐS. Do đó bức tranh chung của thị trường khá tiêu cực. Trước vấn đề này Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 mang đến một sự thay đổi mang tầm tư duy và chiến lược cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt và có những diễn biến phức tạp.
Do đó TS Ánh đặt vấn đề rằng chúng ta phải tìm cách làm sao cho thị trường BĐS có thể "sống khỏe" với dịch cũng như có cách xử khác khi dịch xảy ra thay vì phong toả, siết chặt để tránh bi quan nhưng cũng không "lạc quan tếu". Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp, dự án BĐS phải đối mặt và dự báo mất khoảng 2 năm "chững lại" đã tạo ra sự mất cân đối về cung, cầu khiến cho thị trường BĐS Việt Nam méo mó. Do đó cần phải có vai trò điều tiết, can thiệp của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là khu vực TP.HCM để phục hồi thị trường như thời gian trước khi có dịch.