Nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, bạn đã đàm phán tăng lương thành công, thì bạn sẽ trở về nhà và bắt đầu ăn mừng.
Nhưng nếu bạn thất bại thì sẽ ra sao?
Sếp của bạn sẽ đưa ra nhiều lý do như, hiệu suất làm việc của bạn chưa tốt, tình trạng công ty đang khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế...thì không phải cuộc đàm phán nào cũng sẽ kết thúc thành công. Vì vậy, khi không đạt được kết quả như mong đợi, hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch để giúp bản thân được phục hồi. Đây chính là cách sẽ giúp bạn có được những gì mà bạn xứng đáng.
Lập kế hoạch cho thái độ của bạn
Việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là hãy luôn tỏ ra chuyên nghiệp và tích cực. Thất bại có thể khiến cho bạn cảm thấy khó chịu, nhưng đừng để điều đó làm bạn cay cú hoặc ảnh hưởng đến thái độ của bạn.
Ngày tiếp theo sau khi thương lượng không thành công, chính là ngày bạn cần phải có những hành động chứng minh sự thay đổi của bản thân. Hãy sẵn sàng thay đổi bản thân để đạt được kết quả công việc tốt nhất. Bạn cần phải làm việc với thái độ hăng hái hơn và lập ra một lịch trình làm việc hợp lý. Hãy cho người quản lý của bạn biết, ngay cả khi bạn không đồng ý với quyết định của họ, bạn vẫn tôn trọng công việc của mình.
Lập kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo của bạn
Sau một cuộc thương lượng thất bại, bạn cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa. Điều này có nghĩa là, bạn phải tạm chấp nhận với mức lương hiện tại và nỗ lực cải thiện bản thân để nhận được mức lương xứng đáng hơn.
Hãy bỏ qua những việc trong quá khứ và tập trung vào những mục tiêu của tương lai.
Hãy tự đặt ra những câu hỏi như: Bạn đã rút ra được điều gì từ cuộc đàm phán xin tăng lương vừa rồi của mình? Bạn cần làm gì để nâng cao hiệu suất làm việc? Bạn cần trau dồi kiến thức, kinh nghiệm gì để phát triển công việc tốt hơn? Bạn sẽ làm thế nào để sếp thấy được bạn đang cố gắng thay đổi bản thân?
Hãy xem xét những "khoảng trống đó" là gì và lập kế hoạch để "lấp đầy" chúng.
Lập kế hoạch cho cuộc đàm phán lương tiếp theo của bạn
Sai lầm đầu tiên của mọi người khi đàm phán lương chính là không chuẩn bị đầy đủ hành trang. Mọi cuộc đàm phán đều bắt đầu với một câu hỏi về lý do tại sao bạn xứng đáng được tăng lương.
Hãy trình bày những thành công và kết quả đạt được kể từ lần xem xét lương cuối cùng của bạn để sếp thấy rằng bạn đã cố gắng cải thiện bản thân như thế nào. Nếu có thể, hãy cho sếp thấy hiệu suất làm việc của bạn đã mang lại cho bạn những thành công nào, hoặc bạn đã cố gắng tiết kiệm bao nhiêu chi phí cho công ty.
Hãy thực hiện một cuộc khảo sát để đánh giá mức lương mà bạn đã đề xuất có phù hợp với mức lương của thị trường hay không để đảm bảo yêu cầu của bạn là hợp lý.
Không có thời điểm cụ thể nào là phù hợp để bắt đầu lại cuộc đàm phán lương của bạn cả. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và những thay đổi từ bản thân của bạn. Hãy tự xem xét lại rằng, bạn đã sẵn sàng cho những mục tiêu mới hoặc có đủ năng lực để đảm nhận những trách nhiệm mới hay chưa? Quý vừa rồi, kết quả kinh doanh của công ty bạn đã tốt hay chưa? Bạn đã có những đóng góp gì cho công ty? Nếu đã đủ những điều kiện trên, hãy đề nghị tăng lương thêm một lần nữa.
Lên kế hoạch cho những thành công trong tương lai
Đừng ngần ngại đặt ra câu hỏi: "Bạn có thể làm gì để biến ‘Không’ thành ‘Có’?"
Hãy mạnh dạn lập ra một kế hoạch cùng người quản lý của bạn, để đạt được mức lương mà bạn mong muốn trong tương lai. Sếp không phải là đối thủ của bạn. Hãy chia sẻ rõ quan điểm của bạn rằng, bạn muốn hợp tác để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai. Hãy đề nghị sếp chỉ ra những gì bạn cần làm và đưa ra một kế hoạch thăng tiến rõ ràng cho bạn.
Sau đó, hãy tìm cách tốt nhất để hoàn thành những nhiệm vụ được giao và đừng quên báo cáo với cấp trên những thành quả mà bạn đã đạt được.
Bất kỳ thất bại nào cũng có thể khiến bạn nản lòng, nhưng đừng để nó làm bạn chùn bước. Hãy bắt đầu lại với một sự quyết tâm cao hơn để đạt được các mục tiêu mà bạn đã đặt ra. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chắc chắn thành công sẽ đến với bạn một cách xứng đáng.