Tài chính

Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh tại nhiều ngân hàng trong quý 3

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 vừa được công bố, VietBank ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% trong quý 3/2021 lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng mạnh trong khi tổng quy mô dư nợ cho vay lại chỉ tăng 4,8% đã khiến tỷ lệ nợ xấu của VietBank tăng đáng kể. Cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này là 2,65%, cao hơn mức 1,75% hồi đầu năm.

Tại Techcombank, sau diễn biến rất tích cực trong nửa đầu năm, nợ xấu trong quý 3/2021 của nhà băng này bất ngờ tăng thêm hơn 710 tỷ đồng, tương đương tăng 63,5% lên 1.819 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp đôi lên 443 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng 83% lên 727 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ trao đổi với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo ngân hàng cho biết, mặc dù nợ xấu tăng trong quý 3 nhưng chất lượng tài sản của Techcombank vẫn thuộc hàng đầu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng nhẹ từ 0,4% (cuối quý 2) lên 0,6% (cuối quý 3) do các thành phố lớn thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội trong gần hết quý 3.

Techcombank cho biết, hiện tỷ lệ tái cấu trúc nợ cuối quý 3 chỉ ở mức 0,9%, không thay đổi so với cuối quý 2. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì lành mạnh ở mức 184%.

Tương tự tại MB, sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%. Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).

ACB cũng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, lãnh đạo ACB cũng cho biết thêm, nợ tái cơ cấu tăng từ 8.200 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 6/2021) lên 13.400 tỷ (tại thời điểm cuối tháng 9/2021). Giám đốc tài chính ACB cho hay, nợ tái cơ cấu có thể tiếp tục tăng và dự kiến chi phí dự phòng liên quan đến nợ tái cơ cấu có thể tăng thêm 500 tỷ đồng vào cuối năm.

Trên thực tế, do vẫn đang áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020, các ngân hàng cũng được trích lập dự phòng theo lộ trình 3 năm nên trên bảng cân đối tài sản, nguy cơ nợ xấu vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7% lên xấp xỉ 8%. NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Bởi vậy, lo ngại nợ xấu và nợ tái cơ cấu, nhiều ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng "bộ đệm" chống đỡ dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Chẳng hạn tại ACB, riêng trong quý 3/2021, chi phí dự phòng rủi ro đã tăng hơn 5 lần so với quý 3/2020 lên 820 tỷ đồng. Theo đó, tổng cộng 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của ACB đã lên hơn 2.812 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ.

Hay tại VietBank, chi phí dự phòng rủi ro quý 3 đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước lên 51 tỷ đồng và "ăn mòn" đến 43% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Việc tăng mạnh chi phí dự phòng cũng khiến lợi nhuận trước thuế quý 3 của nhà băng này ghi nhận sụt giảm 20,5%, chỉ đạt 68 tỷ đồng.

MB cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng thời gian qua. Quý 3/2021, chi phí dự phòng của nhà băng này đã tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.778 tỷ đồng; theo đó tổng 9 tháng, chi phí dự phòng là 6.018 tỷ, tăng 43,5% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm