Không chỉ gọi vốn thành công, Coolmate được đánh giá là một trong những startup nổi bật và được yêu thích nhất tại Shark Tank Việt Nam mùa 4. Sau khi trải qua vòng DD nhanh nhất lịch sử chương trình và nhận đầu tư 500.000 USD từ Shark Bình, Coolmate tiếp tục được quỹ đầu tư VIC Partners của doanh nhân Hùng Đinh rót vốn.
Mới đây, ông Nam Nguyễn – một mentor của chương trình Shark Tank Việt Nam đã phân tích lý do đằng sau những thành tích đáng nể của startup 2 năm tuổi này.
"Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của Coolmate chính là ngành hàng, sản phẩm mà công ty lựa chọn. Coolmate là sản phẩm 100% Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam và đánh vào một ngách còn rất nhiều dư địa và khả năng phát triển – thời trang nam.
Yếu tố thứ hai là mô hình bán. Coolmate chỉ có một kênh duy nhất là online, trên TMĐT. Với tôi, đây là cách rất thông minh, đặc biệt trong thời kỳ Covid. Những chí phí cho cửa hàng vật lý cực kỳ lớn, sẽ mất rất nhiều thời gian và sự tập trung.
Thứ ba là trải nghiệm người dùng", vị chuyên gia nhận định.
Trang phân tích Google chấm điểm website của Coolmate và đối thủ cùng ngành
Ông Nam Nguyễn đích thân thực hiện một số tác vụ cơ bản trên website của Coolmate, đồng thời so sánh với O**n – thương hiệu bán thời trang nam nổi tiếng khác trên thị trường với tuổi đời 13 năm.
Theo vị chuyên gia, ấn tượng đầu tiên khi truy cập website Coolmate đó là tốc độ tải trang rất nhanh. Còn với O**n thì trải nghiệm này chậm hơn một chút. Theo một trang phân tích của Google chuyên dùng để đánh giá các website TMĐT, trang Coolmate được chấm 36/100 điểm trên thiết bị di động và 80/100 điểm trên thiết bị để bàn. Trong khi đó, với thương hiệu O**n, 2 chỉ số này được tính điểm rất thấp, chỉ lần lượt đạt 4/100 và 49/100.
"Đối với tôi, gần đây tốc độ truy cập trang cực kỳ quan trọng vì người dùng không có nhiều kiên nhẫn. Các bạn làm kỹ thuật của Coolmate có sự đầu tư khá tốt về kỹ thuật, thiết kế website. Đây là điểm cộng khá lớn".
Về mặt trải nghiệm người dùng, khi truy cập vào website Coolmate sẽ thấy ngay phần khuyến mãi, gây ấn tượng với người dùng. Chưa hết, mỗi sản phẩm đều hiển thị đánh giá của khách hàng, lượt mua, mô tả cụ thể gây cảm xúc.
"Đối với tôi, từ lâu, việc xem đánh giá trước khi ra quyết định trước khi mua hàng đã trở thành thói quen. Mà có những phản hồi rất cụ thể của người mua thì tôi cũng yên tâm hơn nhiều", ông Nam Nguyễn bày tỏ.
Trong khi đó, với thương hiệu thời trang O**n, không hề có đánh giá, rating, hình chụp và mô tả cũng sơ sài, mắc lỗi layout.
Một điểm nữa, khi sử dụng điện thoại di động, cửa sổ chat của Coolmate nằm ngay trong website. Còn thương hiệu O**n lại dùng phần mềm Facebook Messenger – nằm ngoài website, bị cho là một trải nghiệm không tốt với người dùng.
Mỗi sản phẩm của Coolmate đều có số lượng đã bán, đánh giá rõ ràng
Trong quá trình đặt hàng trên website Coolmate, dù không đăng nhập nhưng thông tin của khách hàng sẽ được lưu lại và tự động điền cho lần mua sau. Đồng thời, các thao tác thanh toán cũng mượt mà.
Còn thương hiệu O**n, ông Nam đã từng mua online (không đăng nhập) nhưng website không lưu thông tin và khách hàng phải điền lại mỗi lần mua. Bên cạnh đó, quy trình thanh toán chậm, đơn hàng dù bị huỷ thanh toán nhưng vẫn báo đặt hàng thành công, thậm chí mail xác nhận còn nằm trong mục spam.
"Thương hiệu O**n đang gặp phải vấn đề rất lớn. Khi xác nhận đơn hàng mà mail lại vào spam, các bạn lại không sửa được thì đây là một trong những lỗi rất nặng, không bỏ qua được khi kinh doanh online", vị chuyên gia nhận định.
Ông Nam Nguyễn - Mentor Shark Tank Việt Nam
Cuối cùng, ông Nam Nguyễn đánh giá độ hài lòng với website của Coolmate là 9-9,5/10 điểm.
Ngoài ra, startup Coolmate còn khác biệt ở chính sách đổi trả hàng trong vòng 60 ngày – một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam có chính sách này. Theo vị mentor của Shark Tank, ở góc độ người dùng cuối, chính sách này khiến khách hàng ra quyết định mua nhanh chóng và an tâm hơn, tỷ lệ chốt đơn cao hơn. Nhưng nếu khách đổi trả hàng thì đó cũng là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.
"Ở Mỹ, các công ty ngành thời trang phải đối mặt với tỷ lệ đổi trả hàng cao lên tới 30-40%. Ví dụ tôi muốn một chiếc áo thật đẹp để đi đám cưới. Tôi biết công ty nào có chính sách đổi trả trong 60 ngày, tôi sẽ mua cái áo đó. Tôi mặc đi tiệc 1-2 lần, tôi giữ rất sạch rồi sau đó đem trả hàng, lấy lại tiền. Có thể ở Việt Nam phong trào này chưa phổ biến nhưng ở Mỹ, trào lưu này ảnh hưởng rất lớn với doanh nghiệp và là bài toán cực kỳ đau đầu, có thể giết chết doanh nghiệp nếu không có cách xử lý tốt. Hy vọng Coolmate có chiến lược tốt để xử lý việc này, bởi nếu nó chưa xảy ra thì chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai".
Ông Nam rút ra 4 bài học từ Coolmate:
- Lựa chọn lĩnh vực phù hợp, cụ thể là ngành thời trang nam – một đại dương rất xanh.
- Lựa chọn kênh bán. Thay vì phân bổ nguồn lực cho online và offline thì Coolmate chỉ chọn kênh duy nhất là online. Đây là lựa chọn hợp thời và thông minh trong thời gian Covid.
- Đầu tư kỹ thuật.
- Chính sách khác biệt.