Trải nghiệm mua sắm kiểu mới tại WinMart+
8h20’, trên đường đi làm, chị Thùy ghé vào cửa hàng WinMart+ (tên mới của VinMart+) tại chân tòa nhà UDIC (122 đường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua đồ ăn sáng.
Tại đây, chị Thùy bắt gặp quầy cà phê Phúc Long nhỏ nhắn nằm ngay cạnh các kệ hàng và bèn đặt thêm một cốc trà. Dù menu không đầy đủ như ở cửa hàng lớn nhưng cũng khá nhiều lựa chọn và có các món đặc trưng của Phúc Long. Hóa đơn cốc trà được thanh toán riêng, tích điểm vào thẻ thành viên riêng của Phúc Long. Tương tự, hóa đơn thực phẩm cũng được thanh toán riêng tại quầy VinMart, tích điểm VinID.
Trước khi ra khỏi cửa hàng, chị Thùy ghé vào quầy giao dịch Techcombank, được đặt thẳng ngay cửa ra vào. Tại đây, khách hàng có thể mở thẻ, rút tiền mặt. Tuy nhiên, các giao dịch tiền mặt khác không được hỗ trợ, phải đến quầy giao dịch lớn hơn. Chị Thùy hỏi về quy trình mở thẻ ngân hàng Techcombank, nhưng không có chính sách khuyến mãi, liên kết gì giúp ích nhiều cho việc mua hàng tại VinMart và Phúc Long.
Ngay bên cạnh quầy giao dịch Techcombank là một thiết bị của nhà mạng Reddi, nhưng thiết bị này hiện vẫn chưa hoạt động.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi Masan triển khai mô hình tích hợp "5 trong 1" bao gồm: Winmart+ (tên mới của Vinmart+), Mobicast (hay Reddi), Phúc Long, Techcombank và Phano Pharmacy, những người tiêu dùng như chị Thùy còn có thể mua những loại dược phẩm cơ bản ngay trong cửa hàng WinMart+.
Chị Thùy cảm thấy khá hài lòng khi nhiều dịch vụ được tích hợp ngay tại một ví trị, giao dịch lại nhanh và thuận tiện. Tuy nhiên, các dịch vụ vẫn khá rời rạc, không có liên kết hay các chính sách thúc đẩy chị mua sắm nhiều và thường xuyên hơn.
Tham vọng hệ sinh thái "tất cả trong một" của Masan
Cửa hàng WinMart+ nơi chị Thùy đến cũng là cửa hàng đầu tiên của Masan tại Hà Nội hoạt động theo mô hình tích hợp CVLife (Convenient Life). Thời gian vừa qua, Masan cũng như thành viên The CrownX, The Sherpa đã tất bật "đi chợ" để thu nạp thêm các thành viên mới, hoàn thiện hệ sinh thái mà tập đoàn này gọi là "Point of Life".
Cuối tháng 5/2021, The Sherpa tuyên bố đã ký kết thỏa thuận mua 20% cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage – đơn vị sở hữu thương hiệu trà & cà phê Phúc Long. Với cái bắt tay chiến lược này, Phúc Long dự kiến sẽ mở các 1.000 kiosk của mình bên trong các cửa hàng Vinmart+ trong 18-24 tháng.
Tháng 9/2021, sau khi bán 70% cổ phần cho Masan, Mobicast (hay Reddi) là cái tên tiếp theo trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn bán lẻ - tiêu dùng này. Tương tự, dù không công bố chi tiết màn hợp tác nhưng Phano Pharmcy cũng sẽ mở hàng loạt kiosk tương tự Phúc Long, bên trong các cửa hàng WinMart+.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng trong hệ thống VinMart/VinMart+ cũng sẽ được đổi tên lần lượt thành WinMart/Winmart+. Tất cả hoạt động nhằm mục tiêu xây dựng nền tảng "Point of Life", tất cả trong một.
"Đó sẽ là điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng", Tổng giám đốc Masan Group Danny Le khẳng định trong đại hội cổ đông.
Chưa hết, ngay sau thương vụ đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX của Baring Private Equity Asia - nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Alibaba, VinCommerce và Lazada sẽ trở thành đối tác chiến lược. Người tiêu dùng sẽ có thể mua sắm hàng nhu yếu phẩm của VinMart trên LazMall.
Masan bày tỏ sự tự tin về khả năng thành công của mô hình "Online to Offline" (O2O), bởi nguyên mẫu Walmart - hệ thống siêu thị tập trung vào mô hình "click and collect" cho phép khách hàng mua sắm online và nhận tại các cửa hàng, đã trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm trực tuyến số 1 nước Mỹ.
Như vậy, người tiêu dùng không chỉ được đáp ứng nhiều dịch vụ (viễn thông, tài chính ngân hàng, dược phẩm,…) trong một cửa hàng offline Winmart+ mà về dài hạn, các cửa hàng này cũng có thể trở thành điểm nhận hàng cho khách mua sắm online trên sàn TMĐT (Lazada).
Tăng tổng giá trị đơn hàng
Hệ sinh thái này được kỳ vọng sẽ giúp Masan gia tăng đáng kể giá trị đơn hàng của người tiêu dùng, không chỉ dừng lại ở mua thực phẩm trực tiếp tại cửa hàng. VDSC dự báo việc phát triển kênh bán hàng online cùng Lazada sẽ tiếp tục tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và biên lợi nhuận cho hệ thống bán lẻ của The CrownX. VinCommerce sẽ tăng doanh thu dựa trên tập khách hàng lớn và hệ thống vận chuyển có sẵn của Lazada.
Trong khi đó, dù mới triển khai nhưng 4 kiosk Phúc Long đầu tiên được triển khai đã đóng góp doanh số 8 triệu đồng/ngày cho hệ thống, trong khi mức kỳ vọng ban đầu là 5 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, việc triển khai các dịch vụ tích hợp vào Winmart+ mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, còn thiếu liên kết và vẫn cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả.
Chưa kể, nhà thuốc Phano Pharmacy mới được tích hợp vào WinMart+ khiến nhiều người liên tưởng đến VinFa – một dự án dược phẩm tầm cỡ từng được Vingroup triển khai (khi chưa bán Vincommerce cho Masan). Tương tự như cách nhà thuốc An Khang đặt cạnh Thế Giới Di Động hay nhà thuốc Long Châu cạnh FPT Shop, VinFa được đặt ngay cạnh siêu thị VinMart+, kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ lưu lượng khách từ siêu thị. Tháng 1/2018, Vingroup đã mua lại 9.000 cổ phiếu công ty VinFa (3% vốn điều lệ). Sau đó, tập đoàn tiếp tục góp thêm 443 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 96%.
Nhưng đến 2019, nhiều cửa hàng phân phối thuốc của VinFa bắt đầu đóng cửa để tái cơ cấu. Cuối tháng 8/2019, VinFa cũng đã giảm vốn điều lệ xuống 200 tỷ đồng. Đồng thời tỷ lệ sở hữu của Vingroup giảm xuống còn 59%. Sau đó, Vingroup cũng tập trung hơn vào các mảng sản xuất chủ lực là bất động sản, sản xuất ô tô,…