Kỹ năng sống

"Đêm bạn trăn trở điều gì, phản ánh tháng bạn kiếm được nhiêu tiền": Suy nghĩ trước khi ngủ tiết lộ được gì về tình trạng công việc hiện tại của bạn

Người sở hữu mức lương tháng khác nhau – họ thường nghĩ gì trước khi đi ngủ?

- Người lương từ một trăm triệu trở lên: "Mình vẫn cần sắp xếp lại đội ngũ nhân sự."

- Người lương một trăm triệu: "Bản kế hoạch này vẫn phải chỉnh sửa thêm lần nữa."

- Người lương từ năm mươi đến bảy mươi triệu: "Rốt cuộc thì khách hàng thích cái gì nhỉ?"

- Người lương từ mười triệu trở lên: "P40 pixel ăn đứt Iphone là cái chắc."

- Người lương mười triệu: "Bentley Bentayga sao sánh được bằng Maybach s600."

- Người lương bảy triệu: "Thái độ của Nga về việc NATO mở rộng về phía Đông sẽ có tác động như thế nào đến chiến lược toàn cầu của nước Mỹ đây nhỉ?"

Dù những dòng trên chỉ là một câu chuyện cười hài hước, nhưng nó đã chỉ ra một thực tế rằng: những người ở đẳng cấp khác nhau thì suy nghĩ trước khi đi ngủ của họ cũng hoàn toàn khác nhau.

Làm sao để đánh giá một người? Làm sao để trưởng thành nhanh hơn?

Trên thế giới này có bốn loại người phân bổ từ thấp lên cao lần lượt là: người biết chịu trách nhiệm với thời gian, người biết chịu trách nhiệm với nhiệm vụ, người biết chịu trách nhiệm với mục tiêu và người biết chịu trách nhiệm với ước mơ. Cấp độ khác nhau thể hiện ra bằng suy nghĩ khác nhau. Suy nghĩ khác nhau lại tạo nên cách làm khác nhau.

Đêm bạn trăn trở điều gì, phản ánh tháng bạn kiếm được nhiêu tiền: Suy nghĩ trước khi ngủ tiết lộ được gì về tình trạng công việc hiện tại của bạn - Ảnh 1.

Người biết chịu trách nhiệm với thời gian:

Bạn có ở trạng thái tập trung cao độ hay không?

Người biết chịu trách nhiệm với thời gian là người đi làm đủ tám giờ một ngày. Họ đúng giờ đi làm, rồi lại đúng giờ tan sở. Trong giờ hành chính, tôi đi làm. Ngoài giờ hành chính, tôi sống cuộc sống của riêng mình. Nếu không có chuyện thì đừng tìm đến tôi. Điều này đương nhiên là không có gì để chê trách. Tuy nhiên, lối sống này chỉ vận hành tốt khi bạn luôn hoàn thành công việc được giao. Đây vừa là yêu cầu vừa là tinh thần chuyên nghiệp. Hoàn thành công việc chính là câu trả lời xứng đáng với thời gian của bản thân và thời gian của người khác.

Thứ hai tuần tới là hạn chót. Nhiều người sẽ đợi tới tận 23:59 tối chủ nhật tuần này để nộp báo cáo. Rất khó để nói những người này là người có trách nhiệm với thời gian và họ đã bị loại ngay từ vòng gửi xe.

Người có trách nhiệm về thời gian là người sẽ không làm cho sếp và đồng nghiệp phải phát điên lên vì chờ đợi rồi mới được "vỡ òa" vào phút cuối. Phong cách làm việc này thật khó khiến cho người khác cảm thấy yên tâm. Nếu như sếp giao hạn chót vào thứ hai tuần sau, thì tốt nhất bạn nên hoàn tất và giao nộp cho sếp vào trước thứ sáu tuần này.

Tuy nhiên lại có rất nhiều người nói rằng bản thân không thể làm được điều này. Thậm chí, họ còn khẳng định là không phải họ không muốn mà là họ không thể hoàn thành được.

Để làm một người có trách nhiệm với thời gian, bạn nhất định phải có khả năng duy trì được "dòng chảy tâm lý". Bạn cần phải hoàn thành công việc với sự tập trung cao độ để đạt được hiệu quả tối ưu.

Shankman là một tác giả nổi tiếng người Mỹ. Ông cũng là người dành phần lớn thời gian để bay trên bầu trời. Vì ông cho rằng, việc bay ở độ cao 3.000 feet là một cách rất tốt để duy trì sự tập trung cao độ. Khi ngồi yên một chỗ trên máy bay, Shankman nói rằng, sẽ không có bất cứ thứ gì lạ lọt vào trong tầm mắt ông. Tức là sẽ không một điều gì có thể làm phiền mạch suy nghĩ của Shankman và làm ông cảm thấy: "A, thật là chói mắt!"

Shankman từng ký hợp đồng với bên nhà xuất bản với hoàn thành bản thảo cho một cuốn sách trong thời gian hai tuần. Chìa khóa để giải quyết một nhiệm vụ tưởng chừng như điên rồ bất khả thi này chính là sự tập trung cao độ.

Và Shankman đã làm được điều điên rồ đó. Shankman đã đặt hai chiếc vé máy bay khứ hồi từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản. Shankman đã ngồi viết bản thảo trong suốt chuyến bay đến Nhật Bản. Khi đến Nhật Bản, ông nghỉ ngơi trong khoang thương gia, uống một tách cà phê, rồi lại tiếp tục lên máy bay trở về Hoa Kỳ. Trong suốt chuyến bay đó, ông lại tiếp tục ngồi viết. Cho đến khi máy bay hạ cánh về Mỹ, thì Shankman đã hoàn thành xong toàn bộ bản thảo.

Shankman đã hoàn thành xong bản thảo chỉ trong thời gian hai lần bay đi bay về tương đương với 30 tiếng đồng hồ. Thật là một năng suất làm việc đáng kinh ngạc và một phương pháp làm việc vô cùng điên rồ!

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể nhận được rất nhiều bài học về cách để tập trung cao độ:

1. Tìm một việc mà yêu cầu con người phải làm việc chuyên sâu. Việc này cần phải có độ khó tương đối để mỗi người không ngừng rèn luyện và thử thách bản thân.

2. Thiết kế quy trình và thói quen của riêng bạn. Ví dụ, mỗi lần dọn dẹp bàn trước khi làm việc, tôi thường uống một cốc nước và thực hiện một số nghi thức để nhắc nhở bản thân rằng tôi sắp bắt tay vào làm việc.

3. Đặt ra một deadline riêng cho chính bạn, để thúc ép bản thân và nâng cao hiệu quả công việc.

Đêm bạn trăn trở điều gì, phản ánh tháng bạn kiếm được nhiêu tiền: Suy nghĩ trước khi ngủ tiết lộ được gì về tình trạng công việc hiện tại của bạn - Ảnh 2.

Người có trách nhiệm với nhiệm vụ:

Ba giờ sáng bạn có tấn công được cứ điểm ở trên ngọn núi kia không?

Người có trách nhiệm với nhiệm vụ tức là người nói một mà sẽ không làm hai. Yêu cầu đối với những người ở cấp độ này cao hơn so với cấp độ trước. Bởi vì nhiệm vụ không chỉ là những chỉ dẫn và hành động cụ thể mà là một vấn đề phức tạp cần được giải quyết. Để thực hiện được nhiệm vụ này, mọi người cần phải có tinh thần trách nhiệm cao. Tinh thần trách nhiệm này là tinh thần dám gánh vác, dám làm dám chịu.

Một vị tướng chỉ huy đã giao cho một trung đoàn nhiệm vụ sau: phải chiếm được cứ điểm trên đỉnh núi vào trước ba giờ sáng. Tại sao cứ nhất định phải là trước ba giờ sáng? Năm giờ sáng không được hay sao? Vì sao lại thế nhỉ?

Sở dĩ chỉ huy giao nhiệm vụ này cho trung đoàn của bạn là bởi vì đến ba giờ rưỡi sẽ có quân chủ lực đi qua đỉnh núi này để chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo. Nếu trung đoàn của bạn không chiếm được ngọn núi vào lúc ba giờ sáng thì đồng nghĩa với việc toàn quân không thể vượt qua đỉnh núi đó. Một cơ hội tốt cũng đã bị bỏ lỡ.

Nếu trung đoàn trưởng thay đổi thời gian thực hiện nhiệm vụ là 5 giờ sáng hoặc là cả trung đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ vào lúc 3 giờ sáng thì mọi kế hoạch của chỉ huy sẽ bị phá hỏng.

Người biết chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ là người dũng cảm và giỏi giang hơn hẳn so với những người không thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vì nhiệm vụ này giống như một gánh nặng được giao cho một người đáng tin cậy. Một gánh nặng được tạo nên bởi sự phức tạp của ngoại cảnh, sự hạn chế của nội lực và sự nham hiểm của kẻ thù.

Nó có khó không? Đương nhiên là khó chứ, khó đến mức làm tôi nhiều khi không biết phải làm thế nào. Nhưng nhất định tôi phải hoàn thành được nhiệm vụ này. Tôi dám nhận nhiệm vụ có nghĩa là tôi có thể chịu được áp lực. Tôi sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ dù cho có phải đổ máu. Đây chính là phẩm chất của một người có trách nhiệm với nhiệm vụ.

Điểu bạn nghĩ trước khi đi ngủ: "Liệu bản thân mình có gánh nổi việc này không? Liệu tôi có dám dấn thân và hoàn thành được nhiệm vụ này hay không?"

Đêm bạn trăn trở điều gì, phản ánh tháng bạn kiếm được nhiêu tiền: Suy nghĩ trước khi ngủ tiết lộ được gì về tình trạng công việc hiện tại của bạn - Ảnh 3.

Người có trách nhiệm với mục tiêu:

Bạn có biết thiết lập kế hoạch, huy động nguồn lực, giao tiếp và xem kết quả không?

Người có trách nhiệm với mục tiêu là người sẽ đưa ra câu trả lời theo đúng kế hoạch. Trên thực tế có rất ít người có thể đạt tới cấp độ này.

Bởi vì họ đều là những người biết đặt ra cho mình một mục tiêu trừu tượng, nhưng cuối cùng lại cho ra được một thành quả cụ thể. Để thực hiện được quá trình chuyển đổi từ "trừu tượng" sang "cụ thể", đòi hỏi mỗi người phải sở hữu một khả năng toàn diện. Khả năng toàn diện dùng để chỉ chung cho bốn phần sau đây: lập kế hoạch, huy động nguồn lực, giao tiếp và xem kết quả.

Lập kế hoạch có nghĩa là chia nhỏ mục tiêu thành các nhiệm vụ và từng bước thực hiện chúng. Muốn lập được kế hoạch, bạn cần phải có kỹ năng phân tích và chia nhỏ.

Ví dụ, mục tiêu của bạn là mở rộng thêm được 100 khách hàng mới trong năm nay. Bạn có thể chia nhỏ mục tiêu theo cách sau. 100 khách hàng mới trong một năm thì trung bình mỗi tháng bạn phải tìm được 9 khách hàng mới. Việc mở rộng khách hàng mới cần phải dựa vào quá trình hỏi thăm các khách hàng tiềm năng.

Nhóm bạn có tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng sang khách hàng chính thức là 5%. Như vậy, mỗi tháng bạn cần phải đi thăm hỏi 180 khách hàng tiềm năng thì mới có thêm được 9 khách hàng mới. Nếu như nhóm của bạn có 5 thành viên, trung bình mỗi thành viên sẽ cần phải ghé thăm 36 khách hàng tiềm năng trong một tháng.

Một tháng có 21 ngày làm việc. Mỗi ngày, mỗi thành viên cần phải thực hiện 10 cuộc điện thoại cho người lạ và đi thăm hỏi hai khách hàng tiềm năng. Mỗi người đều cần phải đồng thời theo dõi sự chuyển đổi của cả hai loại khách hàng trên.

Bước tiếp theo là huy động các nguồn lực. Để hoàn thành được kế hoạch đã lập ra, bạn cần phải sở hữu đầy đủ các nguồn lực tương ứng.

Muốn ngựa chạy nhanh thì phải cho ngựa ăn cỏ. Đây là một sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Nếu nhận thấy đội ngũ nhân sự chưa đủ năng lực thì người quản lý cần phải tiến hành đào tạo bồi dưỡng. Nếu ngân sách không đủ thì cần phải đi huy động vốn. Nếu việc đàm phán gặp khó khăn và muốn xin giảm giá, bạn phải có khả năng đưa ra quyết định độc lập. Tóm lại, việc huy động được các nguồn lực tương đương là một trong những khâu quan trọng giúp bạn hoàn thành mục tiêu.

Sau khi đã có được kế hoạch và đủ nguồn lực, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện mục tiêu. Lúc này, chúng ta cần phải tiến hành giao tiếp.

Bạn cần phải biết rằng, hơn một nửa thời gian làm việc của người quản lý là dành cho giao tiếp. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao những người quản lý hiếm khi thực sự làm việc mà lại được hưởng lương rất cao không?

Bởi vì sự tồn tại của các nhà quản lý sẽ có tác dụng cải thiện hiệu quả hợp tác giữa những người khác trong công ty. Người quản lý vừa nắm bắt công việc vừa thâu tóm nhân sự. Họ làm việc bằng con người, rồi họ lại đánh giá con người thông qua công việc.

Những chuyện này thường được giải quyết bằng giao tiếp. Tiến độ của công việc tới đâu? Nhân viên có cần thêm hỗ trợ nào khác không? Điều kiện khuyến khích là gì? Đây là những nội dung của giao tiếp.

Cuối cùng, là nhìn vào kết quả để đánh giá hiệu quả. Kết quả chỉ có hai loại. Một loại là đúng như kỳ vọng và loại còn lại là không đúng như kỳ vọng. Nếu đúng như kỳ vọng thì quá tuyệt vời không còn gì để nói. Nhưng nếu không đúng như kỳ vọng thì chúng ta phải làm sao bây giờ?

Câu trả lời là chúng ta cần phải thực hiện điều chỉnh. Nhiệm vụ của bạn trong tháng này là phải tìm thêm được 9 khách hàng mới. Nhưng giờ bạn mới chỉ tìm được có 5 người. Vậy thì bạn nên làm gì bây giờ?

Liệu bạn có chắc mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong nửa tháng còn lại hay không? Nếu đáp án là không, thì hãy chuyển nguồn lực của bạn sang cho người khác và để họ làm tốt hơn. Rồi mọi người sẽ cùng nhau cố gắng chăm chỉ để hoàn thành mục tiêu chung.

Đây chính là hành vi có trách nhiệm với mục tiêu. Những người có thể được thúc đẩy bởi các mục tiêu cũng là những người có khả năng nắm bắt quản lý được tính bất ngờ rủi ro tốt hơn. Trên thế giới này, họ chỉ là thiểu số và trình độ của họ thì cao hơn người khác rất nhiều.

Điều bạn nghĩ trước khi đi ngủ: "Liệu tôi có thể hoàn thành được mục tiêu trong một thế giới hỗn loạn và không có gì là chắc chắn như thế này không? Để đạt được mục tiêu, tôi đã biết mình phải làm gì hay chưa?"

Đêm bạn trăn trở điều gì, phản ánh tháng bạn kiếm được nhiêu tiền: Suy nghĩ trước khi ngủ tiết lộ được gì về tình trạng công việc hiện tại của bạn - Ảnh 4.

Người có trách nhiệm với ước mơ:

Bạn có thắp sáng được đam mê và đủ lý trí để cầm ngọn đuốc đam mê soi đường mình đi để hay không?

Hành vi biết chịu trách nhiệm với ước mơ còn được hiểu nôm na là đam mê. Người có đam mê là người có thể dễ dàng thắp sáng được chính mình. Đây là một phẩm chất vô cùng quý giá và quý đến mức chỉ có độ vài ba người trong bảy tỷ người đang sống trên Trái đất này có được. Bởi vì hầu hết mọi người đều sống rất tạm bợ được chăng hay chớ.

Bạn nói, bản thân đã làm việc rất chăm chỉ và tôi sẽ thăng chức cho bạn. Anh ta nói, hãy quên nó đi, thăng chức có nghĩa là phải làm nhiều việc hơn.

Bạn nói, những điều bạn đang làm sẽ thay đổi lối sống của mọi người. Anh ta nói, hãy quên nó đi, những người đó còn chẳng thay đổi được chính mình huống chi là bạn.

Bạn nói, bạn muốn thử thách bản thân, làm một điều khác biệt, chinh phục đỉnh cao để thực hiện ước mơ. Anh ta nói, hãy quên nó đi, anh ta không hứng thú với đỉnh cao của cuộc sống và anh ta cũng chẳng có ước mơ.

Bạn nói với anh ta về công việc. Anh ta liền liệt kê ra hàng đống lý do về khách hàng, đội nhóm và năng lực, rồi chốt lại rằng công việc này không thể thực hiện được. Bạn nói với anh ta về mục tiêu. Anh ta lại tiếp tục chỉ ra hàng vạn lý do liên quan đến quốc gia, nền kinh tế và ngành nghề, rồi kết lại bằng câu khuyên bạn đừng mơ tưởng nữa.

Tóm lại, anh ta là chuyên gia bàn lùi là kẻ bóp chết ước mơ từ khi nó còn đang được ấp ủ. Anh ta là người sống nói không với đam mê và đạp lên lý tưởng.

Người có đam mê là một động cơ không bao giờ tắt lửa, có thể chạy mãi mà không biết mệt mỏi.

Nhưng, chỉ có đam mê thôi thì đã đủ chưa? Ngoài việc cần phải thắp sáng ngọn lửa đam mê, thì ta còn cần đến lý trí. Bởi trên con đường vươn tới ước mơ, ai rồi cũng nhất sẽ vấp phải nhiều khó khăn và buộc phải đưa ra nhiều lựa chọn. Và những lựa chọn sáng suốt là lựa chọn được xuất phát từ ba yếu tố: đam mê, nhận thức rõ ràng và suy nghĩ lý trí.

Những người biết chịu trách nhiệm cho ước mơ của bản thân – họ sẽ làm gì?

Mỗi khi nhìn thấy những người này, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ để học tập kinh nghiệm của họ. Bởi vì những người không hiểu quá khứ sẽ không có cách nào để nhìn rõ tương lai.

Ở đời sẽ có những thứ bị thời gian rửa trôi và bị năm tháng ăn mòn. Nhưng những luồng tư tưởng có thể sống sót và lưu truyền qua chiến tranh và bệnh dịch. Đây đều là các tinh hoa xứng đáng để chúng ta nghiền ngẫm và thấm nhuần.

Trong quá trình học tập, những người này thường nói: "Tôi không biết" và không hề bận tâm rằng bản thân trông giống một kẻ ngốc. Bởi vì chỉ khi ta thừa nhận mình thiếu hiểu biết thì chúng ta mới có cơ hội đào sâu thêm vào thế giới này. Sau đó, chúng ta có thể đưa ra được một quyết định hợp lý và có giá trị hơn.

1. Dấn thân vào lĩnh vực ngành nghề nào?

2. Tìm được những người nào đáng tin cậy?

3. Mỗi giai đoạn cần phải làm những điều gì và thực hiện những điều ấy ra sao?

Chúng ta hãy dành ra thật nhiều thời gian để nghiên cứu, suy xét trước khi đưa ra những quyết định trên. Nói "không" với tất cả mọi thứ chính là nói "có" để thực hiện ước mơ. Đây chính là một trong những hành vi thể hiện tinh thần có trách nhiệm cho những giấc mơ. Một hành vi có đầy đủ cả đam mê và lý trí.

Điều bạn nghĩ trước khi đi ngủ: "Tôi có thắp sáng được ước mơ của bản thân không? Tôi có đủ năng lực và lý trí để thực hiện ước mơ của mình hay không?"

Giữa người với người luôn tồn tại một khoảng cách. Người thì ở đẳng cấp thấp, người thì lại ở đẳng cấp cao hơn. Giống như người đứng ở tầng một, người đứng ở tầng mười và người đứng ở tầng một trăm.

Người đứng ở tầng một chỉ có thể nhìn thấy một chút cảnh vật ở trước mắt. Người đứng ở tầng mười có thể nhìn bao quát cảnh vật hơn và nhìn xa hơn. Người đứng trên tầng một trăm có thể nhìn thấy rõ toàn cảnh và cảm nhận được bố cục và khí thế của thế giới.

Các cấp độ khác nhau sẽ quyết định tầm nhìn khác nhau. Tầm nhìn khác nhau sẽ quyết định cách làm khác nhau. Những vấn đề chúng ta suy nghĩ đến hàng ngày sẽ thể hiện trình độ và đẳng cấp của chúng ta.

Hãy nhớ rằng nếu muốn, bạn vẫn có thể chạy lên tầng năm, tầng mười tám và tầng sáu mười để ngắm nhìn thế giới rộng lớn. Tôi hy vọng rằng những vấn đề mà bạn nghĩ trước khi đi ngủ hôm nay sẽ làm bạn tiến bộ hơn trong ngày mai.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm