Cuối năm 2019, tập đoàn 25 năm tuổi chuyên về du lịch - khách sạn - hàng không Thiên Minh Group đặt mục tiêu cho 2020 là doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 300 tỷ đồng. Kỳ vọng của Chủ tịch Trần Trọng Kiên đặt vào việc khai trương hãng hàng không Cánh Diều, cũng như tăng trưởng các hoạt động quản lý du lịch tới châu Âu, mở rộng chuỗi khách sạn 2 sao tập trung vào các bạn trẻ.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ các quyết định kinh doanh. Doanh thu năm 2020 của Thiên Minh giảm xuống còn 656 tỷ đồng. Lợi nhuận không những không có, mà còn lỗ 350 tỷ đồng. Số nhân viên đầu năm gần 2.000 người cùng giảm xuống còn 1.300 người ở thời điểm hiện tại.
Không một doanh nghiệp du lịch nào nằm ngoài vùng ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Đợt dịch thứ 4, trong vòng 3 tháng qua, không có một hoạt động du lịch nào diễn ra. Thị trường trong nước ước tính đã mất đi khoảng 80% công ty du lịch, 50% khách sạn phải đóng cửa. Khoảng 2 triệu người đã mất đi công ăn việc làm trong vòng 18 tháng qua.
"Đó là một sự hoang tàn mà chúng ta nhìn thấy trên cả chiến trường không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Trong suốt gần 27 năm phát triển của Thiên Minh thì 2020 là năm đầu tiên tôi chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu và số người lao động", ông Trần Trọng Kiên chia sẻ tại talkshow Nguy cơ.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group chia sẻ tại talkshow Nguy Cơ
Đối mặt với khủng hoảng và nhìn thấy rủi ro sẽ kéo dài hơn 6 tháng, Thiên Minh đặt nhiệm vụ vượt khủng hoảng và tồn tại là mục tiêu quan trọng nhất.
"Thiên Minh tập trung vào 4 trụ cột.
Trụ cột đầu tiên là đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ khách hàng và cộng đồng. Toàn bộ các hoạt động nằm trong 4 mảng kinh doanh chính là khách sạn, du lịch, hàng không cũng như du lịch trực tuyến, thì sự an toàn của nhân viên là cực kỳ quan trọng. Trụ cột thứ hai là giảm chi phí ngay lập tức bằng cách giảm thiểu mạnh các dự án không khả thi, không có cơ hội trong vòng 24 tháng tới. Thứ ba là quản lý dòng tiền để đảm bảo có tiền lâu dài trả lương. Cuối cùng là tìm tất cả các nguồn doanh thu còn lại. Trước kia 85% doanh thu của hầu hết các mảng nằm trong hoạt động du lịch quốc tế, thì bây giờ tìm nguồn thu mới ở thị trường nội địa".
Ông Trần Trọng Kiên cho biết công ty con của Thiên Minh như Hải Âu đã bắt đầu chuyển sang sản phẩm ngắm cảnh cho người Việt. Hãng hàng không Cánh Diều thì khai thác mảng phản lực cho tư nhân. Còn iViVu ngoài chuyện bán tour, bán vé máy bay nội địa, nay bán thêm đồ ăn giao tại nhà.
Trang web bán tour và đặt phòng khách sạn online iVIVU chuyển sang bán đồ ăn giao tận nhà.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, không chỉ cần xử lý khủng hoảng mà vì đại dịch rồi sẽ qua đi nên vẫn cần nắm lấy những cơ hội để đầu tư cho tương lai.
Tập đoàn này tập trung vào 4 trụ cột đầu tư cho tương lai: đào tạo trực tuyến cho nhân viên, chuyển đổi số các hệ thống, nền tảng,…, tiếp tục mua bán – sáp nhập, tái cấu trúc tài sản đồng thời mở rộng các thị trường mà công ty hy vọng sẽ phục hồi sớm hơn như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Ông Kiên cho biết, may mắn là khi đầu tư vào thị trường đó thì hiện tại đang làm ăn rất tốt.
Trước câu hỏi của Host Phi Vân về việc thay đổi hành vi của khách du lịch, hướng đến các xu hướng mới, ông Trần Trọng Kiên cho rằng điểm quan trọng nhất mà mọi người đều thấy, đó là nhu cầu du lịch luôn rất cao.
"Nhu cầu du lịch đó dường như trở thành nhu cầu thiết yếu, mang lại nhiều giá trị cho con người. Khi nào sự hạn chế đi lại được gỡ bỏ thì nhu cầu du lịch sẽ quay trở lại. Thứ hai, người ta nói rằng khách du lịch sẽ thay đổi sau đại dịch. Đúng là họ sẽ thay đổi một chút. Tuy nhiên, là người làm du lịch 27 năm, tôi có thể khẳng định là mọi người quên nhanh lắm.
Ở châu Âu, Mỹ và Anh, khách du lịch bên họ đã quên hết rồi. Tôi nhớ rằng khi mới sang đấy tôi rất sợ khi nhìn thấy mọi người ra nhà hàng mà không đeo khẩu trang, ăn uống thoải mái, bắt tay như chưa có gì xảy ra. Thói quen rất khó thay đổi và sẽ quay lại rất nhanh. Tuy nhiên, cũng có một số sự thay đổi đã xuất hiện trước đại dịch thì thấy rõ hơn khi trải qua đại dịch".
Nói về sự chuẩn bị cho ngày trở lại, ông Kiên nhắc đến 2 xu hướng. Đầu tiên, xu hướng đi gần hơn và ở lâu hơn. Xu hướng quan trọng thứ hai mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc đó là sự thiếu nhân lực trầm trọng. Chi phí tăng cao, giá của mọi thứ đều tăng trong thời điểm hiện tại, mọi người phải cân nhắc giá khi mở cửa trở lại.
Ông Kiên cho hay, tại Anh, giá phòng khách sạn nhìn chung giá tăng 30-40% so với trước đại dịch ở nông thôn. Công suất sử dụng phòng ở nông thôn cao hơn ở thành phố rất nhiều.
Nhưng trước hết, các doanh nghiệp du lịch cần hoạt động trở lại, bởi 80% đã đóng cửa, có khi chuyển đi làm việc ở nơi rất xa. Ngoài ra, Chủ tịch Thiên Minh hy vọng có một lộ trình mở cửa tương đối rõ ràng từ Chính phủ, dựa trên những hiểu biết tốt nhất, có thể học hỏi châu Âu kinh nghiệm mở cửa sớm của họ.