Kết quả khảo sát trên được Anphabe thực hiện với 50 doanh nghiệp và trên tổng số 54.271 người đi làm tại Việt Nam.
Khảo sát cho thấy, năm ngoái có 80% doanh nghiệp chọn cách cố gắng trả thưởng cho người đi làm nhưng chỉ 52% trong số đó có thể trả thưởng như dự kiến. 20% người lao động bị cắt thưởng hoàn toàn, tập trung nhiều ở các ngành bị tác động nặng nề nhất do Covid-19 là du lịch - hàng không; ẩm thực, nghỉ dưỡng, quảng cáo, truyền thông và giải trí.
Cũng theo báo cáo, sau 3-4 tháng căng thẳng do dịch bệnh vừa qua, hiện phần lớn công ty đều cho biết chưa có kế hoạch tăng lương năm sau cho nhân viên. Trong khi năm ngoái, có tới 33% người đi làm cho biết họ được tăng lương, (chủ yếu ở các doanh nghiệp nước ngoài), với mức tăng trung bình 8%. 47% số lao động còn lại mức lương không thay đổi, 20% chia sẻ rằng họ bị giảm lương, tập trung nhiều hơn ở khối doanh nghiệp Việt Nam với mức giảm trung bình 15%.
Khi được hỏi về việc có chấp nhận giảm lương khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hầu hết người lao động đều đồng cảm và cho rằng chấp nhận điều chỉnh trong khoảng 3-10%. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ nên áp dụng khi thực sự cần và vẫn phải có sự trao đổi.
Trong quá trình phân tích các số liệu liên quan đến lương thưởng, khảo sát ghi nhận những biến chuyển trong nhu cầu và tâm lý của người đi làm. Trong đó, báo cáo chỉ ra rằng, nhân viên được tăng lương nhiều hơn chưa chắc đồng cảm hơn với chính sách lương thưởng của công ty. Ngược lại, khó khăn vẫn có thể kích thích sự cho đi và mong muốn cống hiến của họ.
Nghịch lý trên khiến những nhà quản lý và nhân sự phải suy nghĩ xem liệu chính sách thưởng trên diện rộng thời gian qua có thực sự hiệu quả hay không. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn với nguồn lực có hạn, làm thế nào để khơi gợi động lực cống hiến của nhân viên và giữ chân họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng là bài toán khó.
Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, thay vì tập trung vào yếu tố lương, thưởng, họ có thể chọn cách linh hoạt ứng biến để người lao động gắn bó hơn.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, bà Lê Thị Hồng Ánh - Giám đốc Nhân sự của Sanofi Việt Nam - cho biết, những tháng dịch diễn biến phức tạp vừa qua, để giữ chân người lao đông thì ngoài chăm sóc sức khoẻ, tiêm vaccine, công ty còn cho họ tham gia các khoá học online miễn phí để nâng cao kỹ năng.
Trong quá trình làm "3 tại chỗ", ngoài tạo khuôn viên và nơi ở chất lượng, doanh nghiệp vẫn duy trì sân bóng đá để người lao động nâng cao sức khoẻ. Kêu gọi nhân viên chung tay chăm sóc vườn rau, vườn cây ăn trái để họ vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày vừa thư giãn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có các chương trình radio để động viên tinh thần người lao động...
Cũng triển khai nhiều kế hoạch giữ chân lao động, bà Văn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Nhân sự Lazada Việt Nam cho hay, khi Covid-19 trở nên căng thẳng, công ty triển khai chương trình "Covid care 2.0" để đảm bảo sức khoẻ của nhân viên và cộng đồng. Ngoài tổ chức tiêm vaccine, công ty có các chính sách đặc biệt cho nhân viên F0; xây dựng buồng khử khuẩn tại kho hàng; gửi tặng mặt hàng thiết yếu cho người lao động...
Công ty cũng chú trọng các hoạt động tăng cường sức khoẻ nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên như thuê huấn luyện viên hướng dẫn tập Yoga... Nhân viên cũng có thể tham gia gameshow trực tuyến trong giờ làm việc để thư giãn và nhận những phần quà thú vị.