Thời sự

Chuyên gia: Việt Nam chưa mất đi lợi thế thu hút FDI nhưng các nhà đầu tư đang cân nhắc nhiều yếu tố

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 3 tỷ USD; vốn tăng thêm đạt 1,2 tỷ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 1,25 tỷ USD, lần lượt giảm 5,9%; giảm 70,3% và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, là do quý I năm ngoái có dự án của LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD, còn quý I năm nay, không có dự án quy mô vốn lớn nào được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.

Vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần. (Hạ An tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài ba tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì mức tăng trưởng song số lượng các dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng. Quý I/2023, có 522 FDI dự án mới, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án quy mô đầu tư dưới một triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong ba tháng qua.

“Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Các NĐT đang cân nhắc bối cảnh thế giới, biến động vĩ mô

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: Fullbright).

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Việt Nam chưa mất đi lợi thế là điểm hấp dẫn trong FDI nhưng trong ngắn hạn các nhà đầu tư sẽ cân nhắc khá kỹ trước khi đầu tư.

Lý giải về việc dòng vốn đầu FDI vào Việt Nam chậm lại, ông Thành cho biết, xu hướng chung của thế giới là sụt giảm đầu tư, vì vậy chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Năm ngoái và năm nay, vốn đầu tư đăng ký mới thấp hơn các năm trước song giải ngân vẫn ở mức cao.

Ông cũng chỉ ra vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, chần chừ đầu tư như: Câu chuyện cấp phép chậm, thủ tục rườm rà, đặc biệt là các dự án mở rộng đầu tư liên quan đến đất đai, ưu đãi thuế,… Ngay kể cả những lo lắng về những biến động ở tầm vĩ mô cũng khiến các nhà đầu tư cân nhắc, theo dõi thêm.

Vốn FDI thực hiện trong quý I/2023 vẫn ở mức khá tích cực so với các năm trước. (Hạ An tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Theo ông Thành, trong ngắn hạn dòng vốn đầu tư FDI có thể sụt giảm nhưng trong dài hạn Việt Nam vẫn là một quốc gia có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư.

Trong giai đoạn COVID-19, Việt Nam là ngôi sao sáng, với xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc hoặc Trung Quốc + 1 thì Việt Nam chính là điểm đến sáng giá nhất.

Ngay cả với xu hướng “near-reshoring" tức là dời nhà máy sản xuất về cạnh nước đi đầu tư hoặc thị trường lớn nhất chứ không phải đặt nhà máy ở khu vực sản xuất có chi phí rẻ cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam bởi trong 10 năm tới, thị trường phát triển mạnh nhất vẫn là khu vực Đông Nam Á.

Vì vậy, trong dài hạn Việt Nam vẫn có rất nhiều lợi thế về thu hút đầu tư. Điển hình như giai đoạn hậu COVID-19, LEGO vừa đầu tư hơn một tỷ USD vào Việt Nam là mình chứng rõ ràng cho việc Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư "để mắt" tới. 

Sang năm 2024, đầu tư FDI sẽ cải thiện

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho hay, số liệu vốn FDI đăng ký mới của một quý thì cũng chưa phản ánh được bức tranh của cả năm.

Tuy nhiên, xu hướng sụt giảm cũng thể hiện rõ rệt trong ba năm vừa qua khi vốn FDI đăng ký mới, đăng ký điều chỉnh và mua bán cổ phần liên tục giảm, năm 2021 giảm 1,2% so với năm 2020 và năm 2022 giảm 15% so với năm 2021 đến quý I/2023 thì giảm tới 38,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù số vốn giảm, nhưng số dự án vẫn tăng cho thấy, các dự án hầu hết là dự án nhỏ, bình quân vốn đầu tư của các dự án mới giảm đi, không có những dự án tỷ USD vào Việt Nam.

Ông Toàn dự báo phải đến cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2024 dòng vốn đầu tư FDI mới có sự cải thiện với nhân tố chính là các nhà đầu tư Mỹ. "Vừa rồi có một phái đoàn của các nhà đầu tư Mỹ lớn chưa từng có đến Việt Nam khảo sát đầu tư. Đây là tín hiệu rất tốt và nếu chúng ta tận dụng được cơ hội này thì 2024 sẽ là năm dòng vốn FDI sẽ đảo chiều tăng lên".

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VAFIE cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. "Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam khảo sát thì họ cũng sẽ đến các quốc gia khác. Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia trong xu hướng chuyển dịch đầu tư toàn cầu", ông nói.

Ngoài các đối thủ trực tiếp trong khu vực, có cùng điều kiện Việt Nam, xu hướng của một số quốc gia phát triển hiện nay là muốn khuyến khích nhà đầu tư quay trở lại đầu tư tại chính nước đó. Đây là sự cạnh tranh đa chiều rất gay gắt trong thu hút vốn đầu tư FDI, buộc chúng ta phải thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, ông Toàn nhấn mạnh.

Theo ông, các vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam bao gồm: Hạ tầng, chính sách, và đặc biệt là nguồn nhân lực. Nói cách khác, cần tạo ra những đối tác phù hợp, những doanh nghiệp phụ trợ tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Ông Toàn đề xuất Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam lớn lên và “bắt tay” bình đẳng được với doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam họ cần có đối tác và chuỗi cung ứng, đây là yếu tố quan trọng khi những ưu đãi về thuế, đất đai ngày càng giảm đi. Doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt thì môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể. Do đó, nếu làm tốt khâu này, sẽ phát triển được cả doanh nghiệp phụ trợ và thu hút FDI, hỗ trợ cho ngành xuất khẩu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm