Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu
Thị trường vừa qua ghi nhận các biến động mới từ khối ngoại như quỹ VanEck Vietnam ETF thay đổi chỉ số cơ sở sang MarketVector Vietnam Local Index - chỉ gồm các cổ phiếu Việt Nam có tính thanh khoản cao, đồng nghĩa tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ danh mục sẽ tăng từ 70% lên 100%, và trong một tháng qua quỹ này đã huy động được 2.000 tỷ đồng.
Các quỹ khác như Fubon, VNDiamond đã thu hút được dòng tiền của khối ngoại. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận việc khối ngoại bán ròng trong thời gian vừa qua.
Nhận định về những sự kiện này, trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 22/2, ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng những thay đổi và kết quả đạt được từ các quỹ VanEck, Fubon, VNDiamond là tín hiệu rất tốt cho thị trường, thể hiện Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu.
Ngoài ra, cơ hội thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM - Emerging Market) giúp thị trường có được dòng tiền và cơ hội tốt hơn đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bàn luận.
Do đó, ông Barry nhận định xu hướng thị trường trong dài hạn là rất tích cực, còn với động thái bán ròng của khối ngoại ở thời điểm hiện tại chỉ là do một số trường hợp cụ thể như không làm rõ thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cổ phiếu STB, điều này sẽ không gây ảnh hưởng tới tiềm năng đầu tư trong dài hạn.
Về việc nâng hạng thị trường, một số nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân khiến thị trường Việt Nam không nâng hạng được là giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài quá khắt khe, khiến khối ngoại phải đầu tư ở những thị trường khác. Giám đốc Chiến lược Đầu tư SSIAM cho rằng điều quan trọng để thị trường được nâng hạng là sự rõ ràng, minh bạch và không có những sự kiện gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
Đồng ý với quan điểm này, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã: SSI) cho biết nhà đầu tư nước ngoài cần sự minh bạch, rõ ràng trong các quy định hơn là vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do nhà khối ngoại có tính tuân thủ rất cao, thị trường càng rõ ràng thì hoạt động đầu tư của họ sẽ càng dễ dàng hơn.
Kinh tế trưởng SSI cho biết sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn khi gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư.
Có thể thấy thời gian trước dòng tiền đến nhiều hơn từ Hàn Quốc, gần đây là Thái Lan. Với năm 2023, ông Hưng cho rằng dòng tiền từ những quốc gia như Fubon Đài Loan vẫn sẽ ở mức ổn định và có thể tăng, tuy nhiên cũng ghi nhận dòng tiền kém hơn như từ châu Âu hay chưa có mức tăng trưởng nhiều như Nhật Bản.
"Một đặc điểm ở năm nay mà tôi quan sát được là sự quan tâm đến từ các nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam đang ngày càng nhiều dù số lượng chưa tăng. Đó có thể là một điểm đặc biệt trong năm 2023, chúng ta hãy chờ xem họ có thể chuyển sự quan tâm thành hành động hay không", ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ.
Động thái của khối ngoại có phải chỉ báo quan trọng để đầu tư ?
Chia sẻ thêm, Kinh tế trưởng SSI cho rằng nếu là nhà đầu tư muốn quan sát những diễn biến, xu hướng lớn của thị trường, việc quan tâm đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề khá quan trọng, tuy nhiên để từ nghiên cứu đi vào thực tế còn liên quan đến từng cổ phiếu cụ thể và diễn biến đằng sau đó.
Ngoài ra, ông Hưng cho biết ông quan tâm nhiều hơn đến quan điểm của các quỹ nước ngoài mang tính chất dài hạn và chỉ tham khảo đối với một số quỹ có dòng tiền tương đối ngắn hạn.
"Vì chính những quỹ ngắn hạn này cũng không biết được bao giờ họ có dòng tiền vào hay dòng tiền ra, do đó nhìn vào động thái của những quỹ này để đưa ra quyết định đầu tư là tương đối may rủi", ông Hưng nêu quan điểm.
Bàn luận về vấn đề này, ông Barry cho biết thị trường năm 2017 đã chứng kiến tăng mạnh sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh nhưng sau đó lại sụt giảm rất nhanh. Điều quan trọng cần quan tâm là động thái của Fed, do Ngân hàng Nhà nước sẽ có những phản ứng khi Fed tăng, giảm lãi suất để đảm bảo giá trị tiền đồng và tỷ lệ lạm phát.
"Ví dụ Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất hoặc bán dự trữ ngoại hối nếu Fed tăng lãi suất, từ đó sẽ tác động đến lợi suất trái phiếu, giá cổ phiếu.