Bắt đầu từ ngày 1/2/2023, cổ phiếu VNZ của công ty cổ phần VNG có giao dịch khớp lệnh đầu tiên. Với biên độ trần của phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi lên sàn được cho phép lên tới 40%, VNZ đã nhảy cóc từ mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu lên 336.000 đồng/cổ phiếu. Điều kỳ diệu là trong khi bên bán kiên trì không bán thì bên mua, vừa vặn khớp lệnh được 100 cổ phiếu, con số không thể ít hơn cho một giao dịch.
Mở hàng suôn sẻ, liên tiếp 6 ngày giao dịch sau đó, VNZ đều tăng kịch trần với cùng một kịch bản, khối lượng giao dịch 100 cổ phiếu.
Sang ngày 10/02, vẫn là bước giá tăng kịch trần, nhưng khối lượng giao dịch lần này đã khác, có 300 cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng với giá trị giao dịch 268 triệu đồng.
Những tưởng mức giá 893.400 đồng/cổ phiếu đã đủ "xuýt xoa" nhưng đà tăng của cổ phiếu VNZ vẫn chưa dừng lại. Trong một phiên VNindex giảm 11 điểm như ngày hôm nay, VNZ vẫn một đường tím lịm, tăng trần lên mức giá 1.027.400 đồng/cổ phiếu.
Ở mức giá này, VNZ gấp tới 12,7 lần thị giá của FPT và ước tính một nhân viên văn phòng cần phải nhịn uống khoảng 20 cốc trà sữa mới đủ tiền mua 1 cổ phiếu VNG.
Diễn biến "một bước lên giời" của cổ phiếu VNZ đã khiến CEO Lê Hồng Minh - cổ đông lớn của VNG vượt qua một loạt lãnh đạo của FPT lọt vào TOP 2 các đại gia nắm giữ lượng cổ phiếu công nghệ có giá trị lớn nhất, chỉ sau Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
Khối tài sản của ông Minh đã tăng ngoạn mục từ 846 tỷ lên 3.622 tỷ đồng, tương đương với tăng 3,28 lần từ đầu tháng 2 tới nay.
Trái ngược với đà "lên giời" của giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của VNG lại gặp tương đối nhiều khó khăn trong năm 2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 mới công bố, doanh thu thuần của CTCP VNG tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ. Lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, các chi phí đều tăng mạnh khiến VNG lỗ đậm quý IV.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa xuống còn 28 tỷ. Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 154 tỷ đồng, VNG báo lỗ sau thuế quý IV 547 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG.
Luỹ kế cả năm, mặc dù doanh thu hợp nhất đạt 7.801 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng VNG lỗ sau thuế kỷ lục 1.315 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng. Trừ đi phần lợi ích cổ đông thiểu số, công ty mẹ lỗ 858 tỷ đồng sau thuế.
Trong một diễn biến liên quan đến giá cổ phiếu, ngày 10/2/2023, Công ty cổ phần VNG đã có Công văn số 36/2023/CV/VNG-CBTT về về việc Công bố thông tin cổ phiếu VNZ tăng trần 5 phiên liên tiếp. Công ty cho rằng, việc cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư.
Công ty này cho hay không có bất cứ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian vừa qua. Hiện tại, hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.