Chứng khoán

VN-Index năm 2023 sẽ vận động ra sao khi nhìn lại dữ liệu lịch sử?

Trải qua một năm 2022 đầy biến động với nhiều diễn biến khó lường, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi đầu năm Quý Mão 2023 với nhịp tăng điểm tốt và duy trì được xu hướng hồi phục kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay, động lực chính cho thị trường đến từ khối ngoại với đà mua ròng mạnh mẽ.

Nhìn lại lịch sử đi vào hoạt động kể từ tháng 7/2000, VN-Index cũng đã trải qua những quãng thời gian biến động mạnh với xu hướng tăng, giảm đan xen nhau.

Xu hướng vận động của VN-Index từ 2000 đến nay. (Nguồn: BSC Research).

Theo thống kê của Chứng khoán BIDV (BSC), trong 23 năm đi vào hoạt động kể từ ngày 28/7/2000 VN-Index có số lượng các năm tăng giá nhiều hơn so với các giai đoạn giảm giá, tuy nhiên trong các giai đoạn thị trường giá giảm chỉ số điều chỉnh mạnh.

Cụ thể, VN-Index có 12/23 năm trong xu hướng tăng giá (chiếm 52%), 6 năm thị trường ở trong xu hướng giảm điểm (tương đương 26%) và có 5 năm thị trường ở trong xu hướng sideway (tương đương 22%). 

Xu hướng tăng điểm là xu hướng chủ đạo của VN-Index, nhất là các giai đoạn 2004 - 2007, 2016 - 2017 và 2020 - 2021. Tuy nhiên những năm chỉ số bước vào giai đoạn giảm điểm lại chứng kiến đà lao dốc mạnh mẽ, điển hình như giai đoạn 2002 - 2003 (giảm trung bình trên 26%), năm 2008 (giảm 68%), năm 2011 (giảm 28%) và thị trường vừa trải qua năm 2022 với mức giảm trên 40%.

Từ dữ liệu thống kê, nhóm phân tích của BSC nhận thấy thời gian tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi hình thành đến này vẫn áp đảo (chiếm 52%) dù vậy tính biến động khá lớn.

Điều cũng cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ sự đi lên của nền kinh tế, sự mở rộng của lực lượng nhà đầu tư những vẫn giữ những điểm cơ bản của các thị trường biên là tính biến động cao.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

BSC đánh giá chu kỳ lớn của thị trường có dấu hiệu thu hẹp. Ở chu kỳ tăng điểm trước khoảng 10 năm từ 2007 – 2017 thì chu kỳ tiếp theo 2018 – 2023 chỉ còn 5 năm. Ngoài yếu tố chu kỳ nền kinh tế bị rút ngắn do các yếu tố can thiệp chính sách để chống lại dịch bệnh kéo theo chu kỳ chứng khoán thay đổi.

Điều này cũng gợi ý cho việc đánh giá nguyên nhân xu hướng công nghệ 4.0 giúp cho nhà đầu tư tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn với các thông tin, báo cáo, các quy định rút ngắn thời gian giao dịch… khiến cho tốc độ và vòng quay cổ phiếu được đẩy nhanh hơn trước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm