2,58 triệu tỷ đồng là số dư tín dụng lĩnh vực BĐS vào cuối năm 2022, tăng 24,27% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn với 21,2% tổng dư nợ của nền kinh tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Gần 69% trong tổng dư nợ nói trên là cho vay tiêu dùng, mua nhà sử dụng trong khi hơn 31% còn lại làdư nợ kinh doanh bất động sản.
Tại Techcombank, ngân hàng được xem là "anh cả" của nhóm cho vay lĩnh vực BĐS, tính tới cuối năm 2022, cho vay khách hàng cá nhân mua nhà chiếm 84% trong tổng cho vay KHCN (226.500 tỷ đồng) còn cho vay doanh nghiệp BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm 71% tổng dư nợ cho vay KHDN (194.000 tỷ đồng).
Như vậy tổng dư nợ tín dụng có liên quan đến lĩnh vực BĐS tại Techcombank đạt khoảng 328.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 78% trong tổng cho vay khách hàng của ngân hàng.
Chia sẻ tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mới đây, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết cho vay cá nhân mua nhà đã tăng đáng kể so với năm 2021 khoảng 190.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 46.000 khách hàng mua nhà. Dư nợ bình quân cho mỗi khách hàng là hơn 4 tỷ đồng.
"Gần 70% khách hàng tài trợ mua nhà đều nhận được nhà bàn giao để sử dụng, sửa chữa", Phó Tổng giám đốc Techcombank nói.
Vị này cũng cho hay cho vay với nhóm doanh nghiệp chủ đầu tư trong năm 2022 đã giảm khoảng 10% so với năm trước với chủ trương của ngân hàng là giữ ổn định và chỉ hỗ trợ các dự án có sản phẩm tốt, hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Với các "ông lớn" Big4, mặc dù tổng số dư cho vay khách hàng gấp đôi hoặc hơn gấp 3 lần so với Techcombank nhưng con số cho vay BĐS ở mức khiêm tốn hơn theo dữ liệu từ các lãnh đạo nhà băng này cho hay trong hội nghị với NHNN mới đây.
ÔngNguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết dư nợ BĐS của ngân hàng đã tăng 17% so với đầu năm và chiếm trên 20%trong tổng dư nợ, ước đạt trên 229.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân mua BĐS chiếm khoảng 90% và 10% đối với các doanh nghiệp BĐS.
Tại BIDV, ngân hàng có tổng cho vay khách hàng lớn nhất thị trường hiện nay,dư nợ cho vay BĐS cuối năm 2022 ở mức 275.000 tỷ đồng, chiếm 18,4% trên tổng tín dụng. Tuy nhiên, 217.000 tỷ đồng trong số đó là cho vay khách hàng cá nhân, chiếm 79% tổng cho vay BĐS, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú.
Còn tại VietinBank, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó TGĐ phụ trách điều hành, cho hay cho vay BĐS chiếm khoảng 21% tổng dư nợ của ngân hàng, tập trung cho các mảng: BĐS khu công nghiệp, nhà ở, kinh doanh tiêu dùng,…
Trong số 11 ngân hàng có công bố chi tiết về khoảng mục cho vay kinh doanh BĐS trong báo cáo tài chính, phần lớn chỉ tiêu này đều tăng so với cuối năm trước trừ MSB và Kienlongbank (giảm lần lượt 14,4% và 12,9%).
Techcombank, VPBank là những ngân hàng có số dư mảng này cao nhất trong nhóm khảo sát. Riêng tại VPBank, số dư cho vay kinh doanh BĐS đã tăng gần 59% so với năm trước đạt gần 67.600 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa của Techcombank.
MB cũng có mức tăng trưởng cho vay kinh doanh BĐS cao gần 70% từ 12.632 tỷ đồng lên 21358 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Các ngân hàng khác như PG Bank và Saigonbank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh nhưng số dư cho vay mảng này ở mức thấp nên quy mô tăng không đáng kể.
Số dư cho vay kinh doanh BĐS tại các ngân hàng
Không siết tín dụng vào BĐS
Đại diện NHNN đã nhiều lần khẳng định đơn vị này chưa từng có văn bản và phát ngôn nào khẳng định siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống.
"NHNN chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc nhận định việc các doanh nghiệp kêu thiếu vốn cũng không nằm ở vấn đề room tín dụng, bởi vì hiện tại là thời điểm đầu năm, room tín dụng các ngân hàng không hề thiếu, NHNN cũng không quy định room riêng cho lĩnh vực BĐS. Các doanh nghiệp, dự án BĐS đáp ứng đủ điều kiện vay sẽ được ngân hàng cấp vốn.
Thông tin tại hội nghị nói trên cũng cho hay các ngân hàng đã thống nhất thực hiện chỉ đạo của Thống đốc và sẽ giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay trong đó giảm lãi suất cho vay BĐS để hỗ trợ thị trường.