Thời sự

TS. Lương Hoài Nam: "Trung Quốc không mở cửa với Việt Nam là cú sốc lớn với ngành du lịch"

Từng kỳ vọng có thể đón tới 4 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc năm 2023 và đạt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế, song việc Trung Quốc chưa mở cửa trở lại cho thị trường Việt Nam có thể khiến ngành du lịch "vỡ kế hoạch".

Trước đó, ngày 6/2, Trung Quốc cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour du lịch quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia châu Á, nhưng không có Việt Nam. 

Cú sốc với ngành du lịch Việt Nam

TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB). (Ảnh: TAB).

Bình luận về chính sách này của Trung Quốc, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho rằng đây là một cú sốc lớn với ngành du lịch.

"Việt Nam là thị trường du lịch lớn, lại là nước láng giềng mà không có trong danh sách thì quả là cú sốc lớn", ông Nam nói.

Trung Quốc đã mở cửa trở lại với 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan nhưng không có Việt Nam.

Theo chuyên gia, trường hợp Việt Nam vẫn chưa thể đón khách Trung Quốc thì mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 vô cùng khó và các doanh nghiệp du lịch, hàng không sẽ tiếp tục khó khăn.

Không chỉ với Việt Nam mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách không thể thay thế. Trước dịch COVID-19, chỉ riêng Trung Quốc đã mang lại doanh thu 200 tỷ USD cho du lịch thế giới.

Trước đó, Ngân hàng HSBC dự báo, trong năm 2023, Việt Nam có thể đón từ 3-4,5 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương khả năng phục hồi 50-80% so với trước đại dịch. "

Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc", báo cáo của HSBC chỉ ra. 

Tháo gỡ khó khăn về chính sách

Theo TS. Nam, việc Trung Quốc mở cửa với nhiều thị trường ASEAN nhưng không có Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp đều "vỡ kế hoạch".

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch vốn đã khó khăn nhưng trước cơ hội mở cửa thị trường quốc tế đã chuẩn bị đầu tư chuẩn bị từ phòng nghỉ, đường bay, sản phẩm du lịch,...để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc nhưng lại gặp phải động thái này khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Trong khi Việt Nam đang hoang mang thì Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia - những đối thủ cạnh tranh trong khu vực đều đang ra sức đón khách Trung Quốc, TS. Nam cho biết.

"Mục tiêu 8 triệu khách quốc tế, chúng ta còn chưa dám lạc quan thì Thái Lan với dòng khách Trung Quốc đổ bộ sẽ càng tự tin với mục tiêu đón 25 triệu khách quốc tế trong 2023. Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thì chúng ta sẽ càng tụt hậu xa hơn so với họ", TS. Lương Hoài Nam nói.

Trong số các thị trường ASEAN, Việt Nam là thị trường có tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc trên tổng khách du lịch quốc tế lớn nhất. (Nguồn: HSBC).

Vị chuyên gia này đề xuất, trong tất cả các chuyện giải cứu kinh tế đang được bàn hậu COVID-19, giải cứu du lịch, hàng không là việc duy nhất nhà nước không cần chi tiền, còn các lĩnh vực khác để giải cứu cần chi nhiều tiền.

Du lịch, hàng không chỉ cần nhà nước mở thật rộng cửa cho du khách quốc tế bằng các chính sách đơn phương, song phương, còn lại các doanh nghiệp tự lo. Chính phủ, các bộ cần cấp bách đối thoại với các đối tác, quan tâm xem lý do thật sự nằm ở đâu, có khả năng tháo gỡ hay không và tìm cách tháo gỡ nhanh chóng, TS. Lương Hoài Nam đề xuất.

Báo cáo từ HSBC cũng cho rằng, ngành du lịch chỉ có thể phục hồi trong năm 2023 nếu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm