Nhớ lại những năm 2000, khi ông Trần Hải Linh bắt đầu hành trình sang Hàn Quốc học tập, ít ai ngờ thời điểm đó không chỉ là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông mà còn là sự khởi đầu cho việc kết nối và phát triển cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc và VN sau này.
Đi học để mang về, để cống hiến
Cơ duyên đưa ông Linh đến với Hàn Quốc bắt nguồn từ những ngày ông làm việc với các giáo sư, nhà nghiên cứu người Hàn Quốc trong cùng lĩnh vực tại một trường ĐH ở VN. Đồng thời, nhận thấy tiềm năng hợp tác lớn giữa hai quốc gia nên ông đã quyết định đến Hàn Quốc học tập ở bậc tiến sĩ.
Những tháng ngày là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, ngoài việc học tập, nghiên cứu, ông Linh luôn ý thức rõ trách nhiệm gắn kết cộng đồng và kết nối quê hương của mình. "Khi sống xa quê hương, tôi càng thấm thía giá trị của tinh thần dân tộc, của việc mỗi người con xa xứ không chỉ đi học, đi làm, mà còn đang đại diện cho hình ảnh đất nước", ông Linh chia sẻ.
Ông Linh nói rằng lựa chọn sống ở nơi đất khách luôn là hành trình đầy thử thách. Mỗi ngày, trong phòng lab của Đại học Inha, ông luôn làm việc với cường độ cao, thường một mình với ánh đèn, thiết bị cho đến tận khuya. Lúc đó, trong đầu ông không chỉ có công trình nghiên cứu, mà còn là tiếng gọi mẹ cha, hình ảnh đầy thân thương từ quê hương.

Ông Trần Hải Linh nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM
ẢNH: NVCC
"Điều đó làm tôi thổn thức và tự hỏi liệu mình có thể làm điều gì đó để những tri thức đang học ở đây có thể trở thành hữu ích cho đất nước mình? Câu trả lời là có, và tôi quyết tâm phải làm. Ngay từ thời điểm đó, tôi không xem việc học chỉ để phục vụ bản thân, mà là một nhiệm vụ của người con đất Việt, học để mang về, học để cống hiến. Dù có phát triển sự nghiệp ở đâu, tôi cũng sẽ luôn hướng về quê hương, bằng tri thức, bằng kết nối và những hành động cụ thể", ông Linh nhấn mạnh.
Theo ông Linh, đất nước muốn phát triển phải có đội ngũ trí thức mạnh, doanh nhân mạnh, người trẻ bản lĩnh. Nếu ai cũng rời đi và ở lại nước ngoài, thì ai sẽ là người tham gia sự đổi mới ở trong nước? Chính vì vậy, trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu, ông luôn giữ trong lòng cam kết đó.
Từ suy nghĩ đó, những năm đầu đến Hàn Quốc, ông đã tham gia nhiều hoạt động, kết nối du học sinh Việt với nhau. Cụ thể, ông cùng với một số người Việt tiên phong thành lập Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc (VSAK), nhằm xây dựng mạng lưới gắn kết sinh viên, nghiên cứu sinh, du học sinh người Việt tại khắp các trường đại học tại Hàn Quốc. Tổ chức các diễn đàn khoa học, giao lưu văn hóa, và hội thảo kết nối. Ngoài ra, ông cùng một số đồng nghiệp khởi động những dự án hỗ trợ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa của VN, bắt đầu đặt nền móng cho các chương trình trao đổi giữa sinh viên, giảng viên hai nước…
Ở lại Hàn Quốc cũng là đóng góp cho quê hương
Khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông Trần Hải Linh đứng trước ba lựa chọn khó khăn: về nước, ở lại Hàn Quốc, đến nước khác để tiếp tục con đường tương lai. Và ông chọn ở lại Hàn Quốc để hoàn thành sứ mệnh như một "cầu nối" giữa hai đất nước. "Với tôi, ở lại không phải là để "ở", mà ở lại để làm, để kết nối, để tạo giá trị lan tỏa về quê hương", tiến sĩ Linh nói sau khi đã trải qua 25 năm sống xa quê hương.

Ông Trần Hải Linh, người kết nối hai nước Việt - Hàn trong những năm qua
ẢNH: NVCC
Với ông Linh, không trở về quê hương cũng là một đóng góp. Ở góc độ của ông, ở lại Hàn Quốc không chỉ làm việc mà còn kết nối, góp phần cùng các nhà đầu tư vào VN, hỗ trợ sinh viên phát triển, chuyển giao khoa học, công nghệ, tri thức về quê nhà, đó là đóng góp thiết thực khi "ở lại". Sự "ở lại" này đã thể hiện từ việc năm 2010, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Tổng hội người VN tại Hàn Quốc.
Thời gian giữ các cương vị này giúp ông và các đồng sự thực hiện nhiều hoạt động như: bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý cho người Việt tại Hàn Quốc; kết nối và phát triển cộng đồng người Việt; hướng về quê hương bằng các chương trình thiện nguyện; thúc đẩy giao lưu và hợp tác giữa VN - Hàn Quốc… Đặc biệt, năm 2014, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN, đến nay đã là nhiệm kỳ thứ 3. Đây là một vinh dự lớn, dấu mốc thể hiện sự ghi nhận từ quê hương đối với những nỗ lực của ông Linh ở nước ngoài.
Còn đó những khó khăn, thách thức mà ông Linh phải đối mặt để tạo nên khối đoàn kết chung ở nước ngoài. Ông nói rằng cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc rất đa dạng. Thời gian đầu chỉ có 3 khối: du học sinh, người lao động phổ thông, cô dâu Việt. Dần dần những năm sau hình thành thêm khối chuyên gia - trí thức, doanh nhân.
"Mỗi nhóm có nhu cầu, cách tiếp cận khác nhau. Để có thể làm người kết nối hiệu quả, tôi phải linh hoạt, lắng nghe nhiều chiều. Nhiều hoạt động phụ thuộc vào sự tự nguyện, hy sinh của anh chị em trong ban chấp hành và tình nguyện viên", ông Linh chia sẻ.
25 năm làm cầu nối Việt - Hàn
Sau một thời gian hoạt động cộng đồng, ông Linh nhận ra rằng trong tình hình mới, việc tăng cường kết nối, khẳng định vị thế của các doanh nhân, chuyên gia tri thức trong việc hội nhập quốc tế hết sức cần thiết. "Chúng tôi khởi đầu bằng niềm tin, sự đồng lòng và tâm huyết của một nhóm anh chị em trí thức, doanh nhân Việt đang sống tại Hàn Quốc và những người Hàn Quốc yêu VN", ông Linh nói.
Năm 2019, Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư VN - Hàn Quốc (VKBIA) ra mắt, thu hút nhiều thành viên, tầng lớp khác nhau. Vài tháng sau đại dịch Covid-19 ập đến. Lúc đó, VKBIA là tổ chức hội đầu tiên trong các hội đoàn Việt - Hàn phát động và trực tiếp ủng hộ người dân Hàn Quốc và cộng đồng Việt - Hàn vào những tháng đầu năm 2020.
Tiếp sau đó, với mong muốn sẻ chia cùng TP.HCM và các tỉnh miền Nam đẩy lùi Covid-19, VKBIA do ông Linh dẫn đầu đã thành lập "Đội hình thiện nguyện VKBIA và các cộng sự", tham gia các tổ phản ứng nhanh, trao tặng sản phẩm, vật dụng y tế cho các cơ quan tuyến đầu chống dịch, tổng giá trị quà tặng hỗ trợ khoảng 50 tỉ đồng. VKBIA còn vận động các đối tác là các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc hưởng ứng chương trình quỹ vắc xin do Chính phủ phát động và nhiều sự đồng hành khác với quê hương.
Ngoài việc tham gia các hoạt động cộng đồng, là một nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ, ông Linh đã kết nối và chuyển giao công nghệ bằng cách đưa các DN Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ, AI, nông nghiệp thông minh, y sinh học… về VN để hợp tác trực tiếp với địa phương, trường đại học, DN. Ông kết nối và đưa những người giỏi, có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Samsung, LG, Hyundai, các tổ chức tài chính, các trường ĐH hàng đầu của Hàn Quốc về giảng dạy, đào tạo ngắn hạn, cố vấn chiến lược công nghệ cho các đối tác phù hợp và tin cậy ở VN. Ngoài ra ông còn hỗ trợ chính quyền địa phương trong xây dựng chính quyền số, dịch vụ công thông minh; gieo tinh thần "công nghệ vì cộng đồng" cho thế hệ trẻ.
"Chuyển đổi số không thể bắt đầu từ máy móc mà phải từ con người. Chuyển giao công nghệ không phải là mua bán thiết bị mà là trao đi tri thức, khơi dậy nội lực. Tôi tin rằng nếu mỗi người Việt, đặc biệt là người trẻ, ý thức được rằng mình không chỉ là người tiêu dùng công nghệ mà là người tạo ra nó, thì VN sẽ rút ngắn được khoảng cách không phải vài chục năm mà chỉ trong vài năm tới", ông Linh nhấn mạnh.